Trình phê duyệt chủ trương xây đường sắt cao tốc vào năm 2024
(Dân trí) - Đạt 3.000km đường cao tốc vào 2025; khai thác metro Bến Thành - Suối Tiên và trình phê duyệt chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc vào 2024… là những định hướng lớn được Chính phủ đặt ra.
Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 và định hướng phát triển năm 2024 được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khái quát khi phát biểu tại Hội nghị lần thứ 9 khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sáng 24/1.
Tích cực cải cách tiền lương, thực hiện sáp nhập huyện, xã
Trong định hướng năm 2024, Phó Thủ tướng dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.
Xác định chủ đề điều hành năm 2024 là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4-4,5%), bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam.
Chính phủ cũng quyết tâm thực hiện 3 đột phá chiến lược; khẩn trương hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, triển khai đồng bộ, hiệu quả cải cách chính sách tiền lương từ 1/7 và quyết liệt thực hiện sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2030.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên; nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công một số dự án đường bộ cao tốc.
Bên cạnh đó, Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất ban hành một số chủ trương, cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển điện lực, năng lượng tái tạo; triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch điện VIII, kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu.
Để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, Chính phủ tập trung xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu đến năm 2030, đào tạo 50.000-100.000 nhân lực.
"Để thực hiện thắng lợi được các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trên không thể thiếu được vai trò đặc biệt quan trọng của MTTQ Việt Nam - nơi hiệu triệu, quy tụ, tập hợp nhân dân thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhanh chóng "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái"
Năm 2023, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã nhanh chóng "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái"; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Kết quả, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 đạt 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD.
Bên cạnh đó, dù đã miễn giảm, gia hạn thuế, phí gần 194.000 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước vẫn vượt khoảng 8,15% dự toán, đồng thời tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập được khoảng 560.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ trong năm qua đã tập trung triển khai Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua; cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh; đơn giản hóa 535, phân cấp 153 thủ tục hành chính.
Xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược cũng được đánh giá có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông.
"Đầu năm 2023 khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, giữa năm khánh thành 9 dự án, cuối năm khánh thành đồng loạt 4 dự án ngành giao thông; đưa vào sử dụng trong năm 2023 là 475km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là khoảng 1.900km", Phó Thủ tướng thống kê.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã tập trung xử lý, tháo gỡ nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài. Điển hình là việc ban hành Nghị quyết về chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém; xử lý hiệu quả bước đầu 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, nhất là 3 dự án, nhà máy phân bón.
Bên cạnh đó, Chính phủ hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng, trong đó có chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn sau 21 năm bị gián đoạn; quyết liệt đàm phán tìm đầu ra cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Những bất cập, khó khăn của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cũng được quyết liệt tháo gỡ.
Những kết quả này, theo Phó Thủ tướng, có vai trò, đóng góp của MTTQ Việt Nam; nhờ sự phối hợp công tác tích cực, chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ với ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Dù vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế cần khắc phục như tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng nêu thực tế tiếp cận tín dụng còn khó khăn; thị trường bất động sản còn trầm lắng; thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.
Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại cũng gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, trong đó có việc đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm…