1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Triều cường làm vỡ bờ bao, TPHCM ngập nặng

(Dân trí) - Hôm qua, đỉnh triều trên sông Sài Gòn dâng cao đến 1,42m, nước tràn qua bờ bao và làm vỡ nhiều đoạn bờ bao tại các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn… gây ngập nặng cho các khu vực này và nhiều khu vực trong nội thành.

Tại quận Thủ Đức, từ 4 giờ sáng 26/10, một đoạn bờ bao chừng 6m tại khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước đã vỡ làm cả khu vực phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông và Tam Phú ngập sâu trong nước chừng 0,6 - 0,8m. Nhiều hộ dân nơi đây sống bằng nghề trồng cây kiểng đã chịu thiệt hại nặng nề, hàng ngàn gốc mai bị nước cuốn trôi. Và với tình trạng ngập úng này, các gốc mai còn lại cũng có khả năng chết hàng loạt do thối gốc. 

 

Trên địa bàn quận 12, nhiều đoạn bờ bao cũng bị vỡ gây ngập trên diện rộng. Nhiều nhà dân phải thức suốt đêm tát nước, vật dụng trong nhà hư hỏng do ngâm lâu trong nước. Ngoài ra, khi triều lên đạt đỉnh 1,42m vào 16g chiều qua, nước tràn qua các bờ bao dọc sông Sài Gòn như bờ bao rạch Giao Khẩu, Bà Cam, Trùm Bích... gây ngập nặng cho các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc.

 

Còn tại huyện Hóc Môn, bờ bao khu vực xã Nhị Bình đã không thể ngăn nước trong nhiều ngày qua. Nước tràn bờ gây ngập nặng cho cả xã; đặc biệt là chiều tối hôm qua, khi đỉnh triều lên đến 1,42m. Nhiều diện tích hoa màu, rau xanh trong khu vực bị ngập úng, thiệt hại nặng nề, đến nay vẫn chưa thống kê hết được.

 

Chị Huyền, ngụ tại ấp 2 cho biết: “Nhà có trồng được ít rau muống đem ra chợ bán hàng ngày, nước lên trôi hết còn đâu”.

 

Triều cường làm vỡ bờ bao, TPHCM ngập nặng - 1
 Khu vực công viên dưới chân cầu Sài Gòn bị nhấn chìm trong nước đen ngòm từ cống dâng lên.

 

Tại quận Bình Thạnh, bờ bao rạch Cầu Cống, phường 28 cũng bị vỡ một đoạn hơn 10m làm ngập cả khu vực bán đảo Thanh Đa và nhiều khu lân cận. Chiều 26/10, khu vực các con đường như D2, Nguyễn Hữu Cảnh, Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm, khu vực Tân Cảng… cũng ngập sâu trong nước, gây kẹt xe nghiêm trọng trong giờ cao điểm.

 

Ngoài ra, nhiều khu vực khác không bị ảnh hưởng bởi vỡ bờ bao nhưng do triều lên cao cũng bị ngập nặng như đường Phạm Thế Hiển (Q8), Quốc Hương (Q2), Xa lộ Hà Nội, vòng xoay Hàng Xanh… Tại khu vực công viên chân cầu Sài Gòn, nước dâng lên từ các hố cống đen ngòm làm ngập cả khu vực vòng xoay.

 

Theo dự báo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM, đỉnh triều trên sông Sài Gòn lúc 16g ngày 26/10 chỉ mới là 1,42 m đã gây ngập nặng như vậy. Chiều hôm nay, triều sẽ lên cao hơn, dự kiến là 1,44 m. Và chiều tối ngày mai, triều cường trên sông Sài Gòn được dự báo là sẽ đạt đỉnh cao nhất trong 48 năm qua, cao 1.49m. Trong khi đó, triều cường chỉ cần đạt 1m là hầu như cả thành phố đã ngập trong nước. 

 

Theo một chuyên gia Sở Giao thông Công chính TPHCM cho biết: “Muốn giải quyết tình trạng ngập do triều cường một cách triệt để thì chỉ có cánh nâng cốt nền thành phố lên cao hơn 2m”. Nhưng biện pháp này rất tốn kém, và không phải người dân nào cũng chịu bỏ một số tiền lớn ra để nâng cao nền nhà hoặc xây dựng nhà mới cho ngang cốt nền đường. 

 

Biện pháp dễ nhất là làm bờ bao sông, thường xuyên nạo vét lòng sông kênh rạch… Hàng năm, TP bỏ ra hàng trăm tỷ cho công tác này. Nhưng hiện nay vẫn chưa có cơ quan thống nhất nào quản lý toàn bộ công tác này nên việc triển khai thiếu thống nhất, chưa đạt hiệu quả. 

 

Và khi có sự cố xảy ra, vỡ chỗ nào thì đắp chỗ đó, nước tràn bờ bao chỗ nào thì đắp cao chỗ đó. Với cách thi công chắp vá như vậy, cứ triều lên thì lại vỡ, hết vỡ chỗ này lại vờ chỗ khác, đắp chỗ này thì tràn ở chỗ khác. Và ngập thì cứ hoàn ngập!

 

Triều cường gây ngập đến giữa tuần sau

 

Sau khi đỉnh triều đạt 1,48m (xấp xỉ mức triều cao nhất trong 48 năm qua), dự báo, hôm nay mực nước đỉnh triều tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn sẽ lên cao hơn hôm qua 2cm. Ngày chủ nhật 28/10 đỉnh triều tiếp tục cao (1,48m). Sau đó xuống dần.

Như vậy, chắc chắn tình trạng ngập của các quận 12, 9, 2, 8, 4, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Bình Thạnh trong hai ngày tới còn nặng nề và trầm trọng hơn. Hàng ngàn gia đình ở các quận trên còn phải sống chung trong ngập lụt từ nay đến ít nhất là đến giữa tuần tới.

Tại Cần Thơ, triều cường cũng gây ngập lụt nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Nước lên rất nhanh. Nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm của Cần Thơ ngập khá sâu từ 30-50cm. Nhà dân ngập lai láng, xe chết máy la liệt.

Dự báo, Cần Thơ cũng tiếp tục sống chung với ngập lụt đến hết ngày 28/10. Sau đó, nước sẽ rút chậm. Mực nước trên sông Hậu tại Cần Thơ dự báo đạt cao nhất 1,93-1,98m (cao hơn mức báo động III gần 30cm).

 

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, các tỉnh miền Nam chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp và gió Đông Bắc đến Đông trên các tầng cao khá dày, đem lượng ẩm từ biển vào, mây đối lưu phát triển mạnh nên thời tiết vẫn còn mưa, dù hơi giảm về diện và lượng. Một số nơi vẫn có khả năng còn mưa vừa đến mưa to như ở Bình Phước, Đồng Nai và vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long.

 

Hồng Tâm

 

Tùng Nguyên