1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Triệt” đường rót tài trợ để nhận trẻ làm con nuôi nước ngoài

(Dân trí) - Bộ Tư pháp không tiếp tục làm việc giới thiệu trẻ làm con nuôi nước ngoài. Cơ sở nuôi dưỡng được tách ra khỏi quy trình, không được vừa nhận tiền, vừa trực tiếp giới thiệu trẻ cho tổ chức tài trợ…

Nhiều quy định mới để chống tiêu cực trong lĩnh vực cho nhận con nuôi quốc tế được ghi nhận trong dự luật Nuôi con nuôi trình QH ngày 2/11.
 
Cơ quan thẩm định dự án Luật nuôi con nuôi, UB pháp luật của QH đánh giá, ở nước ta với nhiều số phận éo le do hậu quả chiến tranh trong nhiều thập kỷ, do thiên tai, dịch bệnh gây ra thì nuôi con nuôi là một vấn đề mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc.
 
Ngoài việc tạo mái ấm gia đình cho trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật… việc nuôi con nuôi còn góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người có nguyện vọng nhận con nuôi, nhất là những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, độc thân…
 
Dự thảo luật lần này đưa ra đã có nhiều thay đổi, chỉnh sửa so với lần xin ý kiến UB thường vụ Quốc hội ngay trước kỳ họp. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, dự luật không còn quy định 2 hình thức “nuôi con nuôi đơn giản” và “nuôi con nuôi trọn vẹn”.
 
Hình thức “nuôi con nuôi trọn vẹn” là chấm dứt hoàn hoàn quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ. Ngược lại, hình thức “nuôi con nuôi đơn giản” không dẫn đến hệ quả này.
 
“Triệt” đường rót tài trợ để nhận trẻ làm con nuôi nước ngoài - 1
Các bé tại trung tâm Việt Lâm (Phú Thọ) - một cơ sở nuôi dưỡng tiêu cực trong hoạt động cho nhận con nuôi quốc tế.
 
Hình thức “triệt” quan hệ được đánh giá không phù hợp với truyền thống pháp luật về hôn nhân gia đình ở Việt Nam. Việc nhận nuôi con nuôi xuất phát từ tình yêu thương, đùm bọc nên trẻ được nhận làm con nuôi vẫn không bị hạn chế (cả về nhận thức, đạo lý, pháp luật) cơ hội tiếp tục duy trì quan hệ với cha, mẹ đẻ và gia đình gốc.
 
Để đảm bảo tính minh bạch, chống việc lợi dụng chính sách nhân đạo trong lĩnh vực con nuôi quốc tế để trục lợi, cơ quan soạn thảo cũng được yêu cầu xây dựng một quy trình giới thiệu trẻ làm con nuôi nước ngoài mới. Theo đó, dự luật đã bỏ quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp là cơ quan giới thiệu trẻ làm con nuôi người nước ngoài.
 
Một Hội đồng tư vấn do Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch, các thành viên gồm đại diện Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế… để tư vấn cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc cho trẻ làm con nuôi. Bộ Tư pháp sẽ chỉ tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra việc thực hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật.
 
Để chặn “cửa đi lại” kiểu tiền tài trợ vào thì… trẻ ra như vừa qua, cơ sở nuôi dưỡng cũng được tách ra khỏi quy trình, không được vừa nhận tiền, vừa trực tiếp giới thiệu trẻ cho tổ chức tài trợ. Cơ sở nuôi dưỡng chỉ tham gia hỗ trợ, hoàn tất thủ tục cần thiết cho việc giới thiệu trẻ. Việc tiếp nhận viện trợ từ thiện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ việc nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở là một khâu hoàn toàn độc lập, “một chiều”.
 
Về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi, UB pháp luật của QH cho rằng, việc nuôi con nuôi chỉ là giải pháp thay thế gia đình gốc, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Mục đích của việc nuôi con nuôi là bảo đảm cho trẻ không có gia đình được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường gia đình thay thế.
 
UB pháp luật do đó, tán thành quy định khi cha mẹ đẻ không còn hoặc không có khả năng thực hiện một số quyền, nghĩa vụ như nuôi dưỡng, cấp dưỡng, giáo dục, đại diện theo pháp luật, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con thì thông qua việc cho trẻ làm con nuôi, các quyền, nghĩa vụ này được chuyển giao cho cha mẹ nuôi thực hiện để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ.  

Theo thống kê, cả nước hiện vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó trên 200.000 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật; hàng vạn trẻ là nạn nhân của chất độc hoá học, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo.

Hơn 5 năm qua (2003-tháng 6/2009), mới chỉ có khoảng 1/10 số trẻ (20.000 em) được nhận làm con nuôi (trên 13.000 trường hợp trong nước và 6.000 trường hợp ở nước ngoài).

P.Thảo