1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Triển vọng Nhật Bản nối lại ODA rất sáng!

(Dân trí) - Đó là nhận định của ông Nguyễn Phú Bình - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản xung quanh việc Nhật tạm dừng cam kết ODA cho Việt Nam. Đại sứ cho biết, việc thực hiện viện trợ vốn ODA đều giúp cả hai bên cùng có lợi ích.

Sau vụ PCI, vấn đề mà dư luận Việt Nam quan tâm đó là triển vọng nguồn viện trợ vốn ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam sẽ như thế nào?

ODA của bạn không những cao về lượng vốn, khoảng 1,2 tỷ USD là cho vay với lãi suất thấp, mà còn có khoảng 100 triệu USD là viện trợ không hoàn lại. ODA của Nhật tập trung vào những lĩnh vực ta rất cần để phát triển. Những dự án ODA có chất lượng tốt và có hiệu quả.

Tuy vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam nhiều như vậy nhưng so với tiềm năng của Nhật thì chưa phải là cao. Hiện nay, dư luận Nhật cũng như quốc tế cho rằng chính phủ Nhật cần tăng ODA cho các nước đang phát triển nhiều hơn nữa. Do đó, nếu chúng ta làm tốt các dự án ODA thì khả năng Nhật Bản tăng vốn là rất cao.

Nhưng sau một vài sự cố xảy ra vừa rồi liên quan đến các dự án ODA, liệu có thể nói triển vọng trên là khả quan…?

Từ trước đến nay, các dự án sử dụng vốn ODA ở Việt Nam nhìn chung là thực hiện tốt. Nhật cũng có những đoàn sang Việt Nam kiểm tra và khẳng định dự án ODA có hiệu quả. Lâu nay Việt Nam vẫn là nước sử dụng ODA có hiệu quả nhất trong số các nước nhận ODA của Nhật.

Chỉ trừ vừa rồi có hai sự cố, là vụ sập đường dẫn cầu Cần Thơ, đó là nỗi đau của cả hai bên, và thứ hai là vụ PCI. Tôi tin là nếu hai bên hợp tác giải quyết tốt thì triển vọng vốn ODA Nhật Bản sẽ rất sáng sủa, vì cả hai bên cùng có lợi ích trong việc hợp tác này. Sự cố này tất nhiên là có ảnh hưởng nhưng tôi nghĩ chỉ là tạm thời.

Ông có thể nói cụ thể hơn việc hai bên cùng có lợi ở đây là gì?

Các cam kết đi kèm viện trợ vốn ODA là thông lệ quốc tế. Qua việc tài trợ ODA, Nhật cũng thúc đẩy doanh nghiệp của nước bạn tham gia vào nền kinh tế Việt Nam. Một nước nhận ODA của nước nào thì cũng có những thỏa thuận như chọn doanh nghiệp của nước cam kết ODA làm tư vấn, thầu xây dựng... nhưng luôn phải bảo đảm tiêu chí bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, kể cả trong cộng đồng doanh nghiệp các nước cung cấp ODA.

Tại Nhật Bản, ông nhận thấy dư luận Nhật phản ứng thế nào về vụ PCI?

Giai đoạn đầu, khi mới bắt 4 cựu quan chức PCI, dư luận Nhật xôn xao, tỏ ra bất bình với việc doanh nghiệp đưa hối lộ. Phía Nhật họ rất coi trọng danh dự. Khi doanh nghiệp của họ cạnh tranh không lành mạnh, đi dút lót để mà giành hợp đồng, như thế là làm hổ thẹn doanh nghiệp. Liên đới là có quan chức phía Việt Nam, họ đề nghị phía Việt Nam điều tra. Lúc đầu cũng có một số ý kiến cho rằng ODA là vốn từ tiền thuế của người dân Nhật Bản, nên họ đòi hỏi phải minh bạch, phải xử lý nghiêm.

Ông nhận định thế nào về sự phản ứng của Nhật Bản đối với việc xử lý vụ PCI của các cơ quan chức năng ở Việt Nam?

Tôi nghĩ Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rất cao. Phía Việt Nam đã đình chỉ công tác với người có liên quan, ta đã khởi tố vụ án, tôi tin là phía bạn hài lòng về việc này. Chúng ta cũng có biện pháp mà phía bạn đánh giá cao, đó là việc lập ủy ban hỗn hợp hai nước không chỉ để chống việc này mà còn để phòng cho các dự án dùng vốn ODA của Nhật về sau. Vừa rồi phía bạn chưa cam kết vốn ODA cho chúng ta. Họ cũng chờ đợi kết luận về vụ việc này.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương