1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển vọng khả quan khôi phục Vinashin

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, bằng quyết tâm tái cơ cấu, khả năng quản trị tốt, Vinashin hoàn toàn có khả năng trả được nợ và đến khoảng năm 2013 - 2014, Vinashin sẽ làm ăn có lãi

Liên quan đến Tập đoàn Vinashin, nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn các vấn đề, như: sắp tới liệu Tập đoàn có khả năng trả nợ được không? những dự kiến sắp tới có quá lạc quan không? giải quyết vấn đề lao động như thế nào?… Chiều 23/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng - Chủ toạ phiên họp đã mời Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại Vinashin làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm.

Năm 2005 - 2006 là thời kỳ hoàng kim của Vinashin, Tập đoàn có năng lực đóng tàu lớn tới hàng trăm nghìn tấn so với trước đây mới đóng được tàu 1.000 – 2.000 tấn. Đội ngũ công nhân kỹ thuật của Vinashin lên tới 55.000 người, trong đó có những công nhân kỹ thuật được cấp chứng chỉ quốc tế. Tuy nhiên, đến năm 2008, sang năm 2009, Vinashin lâm vào tình trạng phá sản. Không phải chỉ riêng Vinashin, mà ngành công nghiệp đóng tàu thế giới cũng lâm vào tình trạng tương tự. Khác biệt ở chỗ, trong khi Hàn Quốc, Trung Quốc đổ tiền ra để cứu ngành công nghiệp đóng tàu của mình, thì chúng ta không có tiền đổ vào, do vậy công nợ và công ăn việc làm đình trệ.

Quyết tâm tái cơ cấu

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ sau khi kiểm điểm lại tình hình đã quyết định trình Bộ Chính trị xin chủ trương. Bộ Chính trị quyết định theo đúng tinh thần đường lối của Đảng ta về kinh tế biển là phải tái cơ cấu thành công và phải bảo đảm Việt Nam vẫn phải có một doanh nghiệp đóng tàu làm chủ lực, cùng với các doanh nghiệp đóng tàu khác của cả nước để ngành công nghiệp tàu thủy, công nghiệp cơ khí của chúng ta phát triển xứng đáng với tiềm năng nền kinh tế biển của đất nước ta.

Theo lời Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, việc lựa chọn phương án tái cơ cấu lúc đó là hết sức khó khăn. Nguồn hàng đóng tàu bị hạn chế, nguồn tài chính cũng gặp khó khăn do không ai cho vay nữa, công nợ đến lúc khó trả. Nếu chúng ta không tái cơ cấu thì về cơ bản, cơ sở vật chất của Vinashin trở thành đống sắt vụn. Còn nếu tái cơ cấu, Tập đoàn sẽ phục hồi, sẽ phát triển và tự trả được nợ.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng
Việc tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2008, bằng việc cắt giảm các dự án đầu tư và thu hồi các khoản vốn của Vinashin góp vào những chỗ khác. Từ 185 dự án giảm xuống còn 106 dự án và tiếp tục giảm đến thời điểm này còn 28 dự án, tuy nhiên cũng chỉ tập trung vào 13 dự án là các dự án đóng tàu và dự án công nghiệp. 

Sang đầu năm 2010, Chính phủ tiếp tục bước 2 tái cơ cấu, trong đó chuyển một số ngành được xem là ngành chính của Vinashin, chỉ giữ lại công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu và đào tạo công nhân thiết kế kỹ thuật. Những ngành khác như vận tải hàng hóa thì chuyển sang Vinalines. Chuyển một số công ty đóng tàu phụ trợ chuyên dùng cho ngành dầu khí sang Tập đoàn Dầu khí. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, hiện chúng ta đang triển khai giai đoạn tái cơ cấu thứ 3 theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị.

Kết quả bước đầu của việc tái cơ cấu

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, qua gần 6 tháng, đặc biệt là từ tháng 8/2010 đến nay, việc tái cơ cấu đã đạt được những kết quả khả quan. Thứ nhất là tư tưởng toàn bộ hệ thống công nhân của Vinashin đã ổn định. Quyết tâm chính trị của toàn bộ giai cấp công nhân trong hệ thống đóng tàu (khoảng 57.000 người) rất cao, tạo ra một quyết tâm mới để khôi phục lại Vinashin.

Theo Phó Thủ tướng, từ tâm lý bất an, đến nay, tâm lý của công nhân rất phấn khởi, cùng nhau bắt tay vào công việc. Tất cả công nhân viên của Vinashin đã có việc làm, với mức lương 2,8 triệu đồng/tháng. Các khoản nợ cũ về bảo hiểm và tiền lương dần được thanh toán. Số công nhân, từ thuyền trưởng cho đến nhân viên làm nhiệm vụ vận tải tàu biển, vận tải hàng hóa đã có mức lương 6 triệu đồng/tháng. Thu nhập ổn định, tinh thần phấn khởi, quyết tâm củng cố lại doanh nghiệp, làm ăn để phát triển là kết quả đáng ghi nhận nhất ở Vinashin.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với việc ngành công nghiệp tàu thủy của thế giới bắt đầu phục hồi, ngành công nghiệp tàu thủy của Việt Nam cũng có những bước khởi sắc. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, quan trọng nhất là 130 con tàu chúng ta vẫn giữ được hợp đồng. Nhờ giữ được hợp đồng, nên chúng ta tiếp tục cơ cấu tài chính, giải quyết các khó khăn đảm bảo cho nó hoạt động.

28 nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại và đã có nguồn hàng. Theo kế hoạch, Chính phủ chỉ đạo đóng 57 tàu, nhưng ngành đóng tàu quyết tâm sẽ hoàn thành thêm 9 con tàu. Với 66 con tàu này, doanh thu đạt khoảng 600 triệu USD. Cộng với doanh thu của hoạt động công nghiệp phụ trợ, năm 2010, Vinashin sẽ có doanh thu khoảng 14.000 tỷ đồng. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, chúng ta đang đàm phán để có thể ký 110 hợp đồng đóng tàu trong và ngoài nước vào năm 2011.

Tất cả 26 con tàu của Vinashin chuyển cho Vinalines, trong đó 23 tàu đã đi biển chở hàng và có doanh thu. Năm nay đội tàu có thể thu nhập được 1.400 tỷ đồng. Còn lại 3 tàu, một đã tháo dỡ và bán, con tàu này coi như thất thoát một phần, một tàu sẽ sửa chữa được và một là tàu Hoa Sen mà các đại biểu đề cập thì đã có phương án sử dụng là cho thuê. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ước tính, một ngày, tàu Hoa Sen có thể thu được 8.000 Euro tiền cho thuê, như vậy 1 năm, tàu Hoa Sen sẽ thu về được khoảng 4 triệu USD.

Khả năng trả nợ là khả quan

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, nếu sản xuất kinh doanh phục hồi được, tàu đóng ra bán được thì sẽ có tiền trả nợ dài hạn và ngắn hạn, cũng như tiếp tục phát triển. Các ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu phát triển cũng sẽ tạo nguồn thu để phát triển sản xuất và trả nợ. Còn lại khoảng 20% là những công ty sẽ phải tái cơ cấu, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, phải bằng nhiều biện pháp để thu hồi lại vốn, nợ và trả nợ.
Triển vọng khả quan khôi phục Vinashin

“Chúng ta không vội vàng làm một lúc, bán tống, bán tháo đi được, mà phải từ từ từng bước để tái cơ cấu hoặc cổ phần hóa, hoặc bán, hoặc bán nợ, hoặc cho thuê... để thu hồi lại vốn. Cũng có thể có khoản sẽ mất, có khoản sẽ lời, nhưng chung lại, tôi tin tưởng rằng số này sẽ có lời”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.

Trở lại với khoản tài sản 104.000 tỷ đồng và 86.000 tỷ tiền nợ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Nếu chúng ta quản trị tốt và làm ăn có hiệu quả, trước mắt năm nay, Vinashin vẫn tiếp tục lỗ, nhưng nếu thị trường tốt, quản trị tốt, thì năm 2011 có thể lỗ ít, năm 2012 có thể sẽ đứng vững và từ năm 2013 - 2014 sẽ trở lại lãi. Tính cả nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, cộng với lãi suất do vay nợ gây ra thì Vinashin đều có khả năng đảm bảo trả nợ.

Kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc xử lý vi phạm đã và đang được tiến hành. Những người cố ý làm trái, người vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra đang làm việc một cách rất tích cực.

Bộ Chính trị cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng liên quan một cách công bằng.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, hiện Ủy ban kiểm tra Trung ương đang chủ trì giúp Bộ Chính trị và Ban Bí thư làm công tác kiểm điểm một cách nghiêm túc và kết quả kiểm điểm sẽ công khai trước công luận. Như vậy, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tái cơ cấu một cách tổng thể, toàn diện, không chỉ cơ cấu về kinh tế mà cả tư tưởng, cả nhân sự, cả kiểm điểm, kiểm tra, xử lý một cách nghiêm minh.

Theo Mạnh Hùng
Vov.vn