Đà Nẵng:
Triển lãm tư liệu mới về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa
(Dân trí) - Sáng 20/1, tại Bảo tàng Đà Nẵng đã diễn ra Triển lãm các tư liệu mới phát hiện có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Tài liệu bản đồ của ông Trần Văn Thắng tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng: Chỉ tuyển chọn 30 trong 150 bản đồ tặng và 3 cuốn atlas để đưa ra trưng bày. Đây là những bản đồ được xuất bản ở các nước: Anh, Đức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong khoảng thời gian 1626 – 1980. Trong đó nhóm bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, nhóm bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam, nhóm bản đồ thương mại và bản đồ hàng hải châu Á và Đông Nam Á thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
3 tập atlas do chính quyền Trung Quốc xuất bản trong những năm 1908, 1919, 1933 rất có giá trị trong việc phản biện những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các atlas này là sản phẩm của những chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Vì thế mà cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề đả động gì đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hòa dân quốc tái bản các atlas này vào các năm 1919 và 1933 thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc.
Tư liệu từ kết quả Đề tài nghiên cứu khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu lưu trữ của Chính quyền Việt Nam cộng hòa (1954 – 19750) gồm: Tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa thuộc phông tư liệu Đệ nhất của Chính quyền Việt Nam cộng hòa (1954 – 1963); Tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa thuộc phông tư liệu Đệ nhị của Chính quyền Việt Nam cộng hòa (1974 – 1975); Tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa thuộc phông tư liệu Phủ Thủ tướng của Chính quyền Việt Nam cộng hòa (1954 – 1975).
Hệ thống tư liệu này phản ánh sự hiện diện thường xuyên của quân đội Việt Nam cộng hòa tại Hoàng Sa và vùng biển phụ cận. Chính quyền Việt Nam cộng hòa liên tiếp ban hành những văn bản chính sách về Hoàng Sa, thực thi hàng loạt những hoạt động kinh tế, khoa học tại quần đảo Hoàng Sa, luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trong quan hệ quốc tế, hoạt động ngoại giao, tuyền truyền về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và sự đồng lòng thể hiện ý chí chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa từ Trung ương đến các địa phương và nhân dân.
Một số hình ảnh tại buổi triển lãm:
Khánh Hồng