1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bạc Liêu:

Triển khai ứng phó bão không tốt thì xử lý trách nhiệm!

(Dân trí) - “Thường vụ Tỉnh ủy đã giao trách nhiệm cho cấp ủy của các Sở, ngành, địa phương, nếu triển khai công việc ứng phó bão không tốt thì phải xử lý trách nhiệm”, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ đạo rõ trong công tác phòng, chống bão số 16.

Chiều ngày 24/12, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương và đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh,…. đã đi thị sát công tác phòng, chống bão tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu). Khu vực này được dự báo là địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 16.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương (ngoài cùng bên phải) cùng Chủ tịch tỉnh Dương Thành Trung (người chỉ tay) kiểm tra đê kè Gành Hào chiều ngày 24/12.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương (ngoài cùng bên phải) cùng Chủ tịch tỉnh Dương Thành Trung (người chỉ tay) kiểm tra đê kè Gành Hào chiều ngày 24/12.

Sau chuyến khảo sát thực tế, ông Nguyễn Quang Dương đánh giá, người dân còn chủ quan. “Phải chăng chúng ta tuyên truyền chưa tới, hay chính cán bộ còn chủ quan”, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đặt vấn đề và cho rằng, chỉ có nhận thức đúng tình hình thì mới có thể triển khai tốt công việc.

Ông Dương cũng đề nghị chính quyền địa phương phải ưu tiên tính mạng người dân, nên cần phải di dân. "Nếu người dân chưa hiểu thì bắt buộc người dân phải đi. Người dân có thể không hài lòng nhưng vì tính mạng, sức khỏe của người dân nên cần phải thực hiện theo kế hoạch" ông Dương yêu cầu.

Ghi nhận ứng phó bão tại Gành Hào.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, quyết tâm của Tỉnh ủy là không để thiệt hại về người nên phải quyết liệt công tác này. “Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cấp ủy, chính quyền và các Sở, ngành chịu trách nhiệm, nếu triển khai không tốt chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy thì phải xử lý trách nhiệm”, ông Dương nhấn mạnh.

Bí thư Dương cũng cho biết, qua ghi nhận cho thấy bên trong khu vực dân cư rất thấp so với tuyến đê kè Gành Hào. Do đó, nên ưu tiên phương án di dời toàn bộ người dân, chứ không để xảy ra rồi thì hậu quả khó lường.

Chủ tịch huyện Đông Hải Bùi Minh Túy cho rằng, nếu nước biển dâng cao 2-3m thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho khu vực thị trấn Gành Hào.
Chủ tịch huyện Đông Hải Bùi Minh Túy cho rằng, nếu nước biển dâng cao 2-3m thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho khu vực thị trấn Gành Hào.

Theo báo cáo của ông Bùi Minh Túy- Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, khu vực thị trấn Gành Hào có 2.000 hộ dân, với khoảng 8.000 nhân khẩu (trong đó có khoảng 5.000 người già, phụ nữ, trẻ em) cần phải di dời.

“Khó khăn hiện nay là nếu nước biển dâng cao từ 2 m – 3 m thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho khu vực bên trong”, ông Túy đánh giá tình hình.

Xe lưu động liên tục thông báo về tình hình bão cho người dân.
Xe lưu động liên tục thông báo về tình hình bão cho người dân.

Nhiều hộ dân vẫn chưa chằng chống nhà cửa hoặc di dời tài sản đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng địa phương phải liên tục đến từng hộ dân để vận động công tác ứng phó bão.

Người dân cưa cây cao cạnh nhà.
Người dân cưa cây cao cạnh nhà.
Hơn 16 chiều, có hộ dân mới chằng chống nhà cửa.
Hơn 16 chiều, có hộ dân mới chằng chống nhà cửa.
Một cụ già được cõng ra xe để đi ra nơi an toàn.
Một cụ già được cõng ra xe để đi ra nơi an toàn.
Một số tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn.
Một số tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn.

Chiều ngày 24/12, tinh thần phòng, chống bão số 16 ở Sóc Trăng được ghi nhận rất tích cực. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão ở các địa phương chịu ảnh hưởng của bão như thị xã Vĩnh Châu, các huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Long Phú, Kế Sách,…

Bà Lâm Thị Bấu (ngụ ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề) cho biết: “Từ thời cha sinh mẹ đẻ tới nay tôi chỉ mới thấy cơn bão số 5 năm 1997 là lớn, nhưng ở đây chỉ là cái vệt nhỏ nên không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng từ hôm qua đến giờ, nghe thông tin thì chúng tôi thấy cơn bão này rất lớn, rất nguy hiểm cho nên ai cũng chuẩn bị tinh thần ứng phó với bão. Từ sáng nay, chính quyền thông báo tinh thần di dời khi bão vào thì bà con ai cũng chuẩn bị sẵn sàng. Chưa thấy bão đến nhưng cũng sợ lắm”.

Tàu của ngư dân đã vào cảng tránh trú.
Tàu của ngư dân đã vào cảng tránh trú.

Ông Châu Ngọc Sang (52 tuổi, là ngư phủ theo tàu đánh cá) cho biết: “Chúng tôi nhận được thông báo có bão từ ngày 23/12 thì chủ cho tàu vào Côn Đảo tạm trú, đến khuya thì chạy thẳng vào cảng Trần Đề và cập cảng lúc 6h sáng nay. Hiện vẫn còn nhiều tàu không vào cảng Trần Đề mà vào Côn Đảo. Đi biển, sống chết với biển nhưng nghe tin bão lớn thấy lo nên anh em nói chủ tàu cho về nhà lo cho gia đình, vợ con, hết bão sẽ trở lại biển”.

Ông Nguyễn Văn Oai (chủ tàu, ngụ tại ấp Giồng Chùa, thị trấn Trần Đề) chia sẻ: “Nghe tin bão, chúng tôi lập tức cho tàu vào cảng neo tránh bão. Ở ngoài biển, chúng tôi cũng đối mặt với bão nhiều rồi, nên khi nghe thông báo của cơ quan chức năng là bà con vào bờ ngay. Hết bão sẽ trở lại ngư trường khai thác tiếp”.

Ông Trần Văn Mến dùng loa di động để báo bản tin bão đến người dân vùng sâu, vùng xa.
Ông Trần Văn Mến dùng loa di động để báo bản tin bão đến người dân vùng sâu, vùng xa.

Tại thị trấn Trần Đề, dù các phương tiện thông tin đại chúng luôn phát đi bản tin thông tin diễn biến cơn bão nhưng ông Trần Văn Mến (Chủ tịch Hội người cao tuổi thị trấn) vẫn dùng xe gắn máy chở theo một chiếc loa thùng cùng phương tiện phát thanh chạy khắp ngỏ hẻm ở địa phương phát đi thông tin về con bão.

Ông Mến nói: “Lúc này bà con bận nhiều việc cho chống bão nên đôi lúc cũng không theo dõi thông tin trên loa đài. Vì vậy Hội người cao tuổi chúng tôi dùng loa gắn lên xe chạy vào tận các gia đình vùng sâu vùng xa để phát đi bản tin bão cho mọi người cùng theo dõi. Hiện nay cả thị trấn có 3 chiếc như thế, chia nhau chạy khắp các địa bàn của thị trấn”.

Huỳnh Hải - Bạch Dương