1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trẻ tử vong không phải do vắc xin

(Dân trí) - Các ca tử vong sau khi tiêm chủng vắc xin thời gian qua đã làm người dân vô cùng hoang mang, không dám đưa con em mình đi tiêm chủng. Ngành Y tế đã tiến hành điều tra và cho thấy, những tai biến này không liên quan đến vắc xin.

Sáng nay, 20/3 tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư diễn ra Hội thảo khoa học An toàn tiêm chủng vắc xin. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trần Hiển về vấn đề này.

Chỉ riêng từ đầu năm 2008 đến nay, cả nước đã có 6 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin. Nguyên nhân nào gây ra những tai biến nặng nề này, thưa ông?

Chúng tôi đã kết hợp với Tổ chức Y tế thế giới và tiến hành điều tra, phân tích các trường hợp phản ứng sau tiêm này và chúng tôi đã có đầy đủ bằng chứng để khẳng định được rằng, tất cả các trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin ở nước ta thời gian gần đây đều không liên quan đến vắc xin. Vì kết quả quá trình điều tra chuyên môn của Hội đồng khoa học cho thấy, không phát hiện bất cứ sai sót gì trong khâu bảo quản vắc xin, chất lượng vắc xin hay kỹ thuật tiêm vắc xin của bác sĩ.

Vậy ông có thể nói rõ về nguyên nhân gây tai biến sau tiêm của 6 trường hợp này để người dân có thể yên lòng hơn, tin tưởng đưa con em mình đi tiêm chủng?

Tỷ lệ các ca tai biến trong tiêm chủng là rất thấp. Tai biến dẫn đến hậu quả nặng nề là tử vong như những em bé này càng hiếm hơn. Thực tế điều tra cho thấy, đây là những ca tai biến khó tránh khỏi do nhiều nguyên nhân như yếu tố cơ địa, bệnh nhân mắc bệnh bẩm sinh, mắc nhiều triệu chứng bệnh cùng lúc…Do vậy, người dân cần tin tưởng vào ngành Y tế, cần đưa con đi tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Cụ thể, trường hợp cháu Nguyễn Ngọc Minh (1,5 tháng tuổi ở Long Biên, Hà Nội) tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B mũi 1 (VGB1) ngày 4/1/2008. Theo kết quả điều tra, cháu bé này tử vong do suy hô hấp cấp trào ngược chất chứa trong dạ dày vào đường thở, không liên quan tới tiêm chủng.

Trường hợp thứ 2 là cháu Hồ Phương Vi (2,5 tháng tuổi, ở Nam Đông, Thừa Thiên Huế) tiêm VGB1, DPT1 (phòng bệnh  bạch hầu, ho gà, uốn ván) ngày 25/1/2008 và tử vong cùng ngày. Cháu bé này tử vong có nhiều khả năng là do sốc phản vệ, không có liên quan tới chất lượng vắc xin và dịch vụ tiêm chủng.

Trường hợp thứ 3 là cháu Nguyễn Thanh Long, 4 tháng tuổi ở quận 9, TPHCM. Cháu tiêm vắc xin VGB2, DPT2, OPV2 (phòng bệnh bại liệt) ngày 15/2/08, đến ngày 19/2 tử vong. Theo kết qủa ban đầu cho thấy, cháu Long tử vong không liên quan tới tiêm chủng. Nguyên nhân tử vong chưa rõ vì còn chờ kết quả khám nghiệm tử thi.

Trường hợp tử vong thứ 4 là cháu Nguyễn Đức Tiếp, 2 tháng tuổi ở Đông Anh, Hà Nội. Cháu tiêm vắc xin DPT1, OPV2 ngày 5/2/08 tại trạm y tế xã và tử vong ngày 6/2. Kết quả điều tra cho thấy, tử vong do suy hô hấp do phế quản, phổi viêm thể chảy máu, không liên quan tới tiêm chủng.

Trường hợp thứ 5 là một cháu bé 2 ngày tuổi ở Bà Rịa Vũng Tàu. Cháu được tiêm văc xin BCG, VGB1 ngày 29/2/08 tại bệnh viện tỉnh và tử vong cùng ngày. Hiện chưa rõ nguyên nhân tử vong nhưng không có bằng chứng liên quan tới tiêm chủng.

Trường hợp 6 là cháu Trần Thái Thịnh, 10 ngày tuổi ở huyện Đầm Rơi, Cà Mau. Cháu tiêm vắc xin VGB1, DPT1, OPV1 ngày 2/3 tại trạm y tế xã và tử vong cùng ngày. Kết luận điều tra cho thấy, cháu Thịnh tử vong chưa rõ nguyên nhân trên trẻ đẻ non đã có suy hô hấp. Không có bằng chứng liên quan tới tiêm chủng.

Ông có đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của các phản ứng sau tiêm chủng ở Việt Nam?

Các phản ứng sau tiêm vắc xin khiến số người đi tiêm vắc xin nói chung, số người đi tiêm vắc xin viêm gan B nói riêng trong thời gian qua đã giảm đáng kể trên địa bàn cả nước. Riêng năm 2007, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ chỉ đạt tỉ lệ 81,2%. Ước tính có khoảng trên 200.000 trẻ không được tiêm chủng đầy đủ so với năm 2006.

Nguyên nhân là do những tai biến này ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng, các bậc cha mẹ ngại không muốn cho con em mình đi tiêm chủng. Khi thấy bất cứ dấu hiệu khác thường nào sau tiêm chủng của trẻ đều nghĩ là do vắc xin, do đó chưa hợp tác tốt với cơ quan y tế trong việc xác định nguyên nhân.

Về phía ngành Y tế, sau khi xảy ra hai trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B (loại LG của Hàn Quốc) gần đây nhất, Bộ Y tế đã ký Quyết định tạm ngừng toàn bộ lô vắc xin này trên địa bàn cả nước để chờ đợi kết quả điều tra, xác định lại nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân. Để có đủ vắc xin cho trẻ đi tiêm, Bộ Y tế đã cho phép nhập 2,1 triệu liều vắc xin viêm gan B mới, đạt tiêu chuẩn và đang phân phối cho các tỉnh trong toàn quốc. Tuy nhiên, số lượng vắc xin này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêm vắc xin của người dân, đặc biệt các tỉnh ở phía Nam còn rất thiếu.

Ông có khuyến cáo gì để người dân đi uống, tiêm vắc xin nhiều hơn trong thời gian tới đây? Ngành Y tế đã có những dự phòng gì với những trường hợp phản ứng sau tiêm nặng để người dân có thể yên tâm hơn khi đưa con em mình đi tiêm?

Để chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho trẻ, phòng những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, việc tiêm chủng là biện pháp rẻ tiền và tốt nhất. Nhờ có triển khai cho người dân uống vắc xin mà nước ta đã thanh toán được nhiều loại bệnh nguy hiểm như uốn ván, bại liệt... Các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh đều giảm hàng trăm lần so với thời điểm chưa triển khai tiêm chủng mở rộng.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, tiêm vắc xin luôn luôn có một tỷ lệ tai biến nhất định chứ không thể đảm bảo an toàn được 100% như kỳ vọng. Nhưng nếu cân nhắc giữa cái lợi khi tiêm phòng và tai biến có thể gặp, ngành y tế Việt Nam và cả Tổ chức Y tế Thế giới đều khuyên người dân đưa con em mình đi tiêm để phòng những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ. Nếu không được tiêm vắc xin đầy đủ, tỷ lệ trẻ tử vong do các bệnh này sẽ lớn hơn rất rất nhiều lần so với những tai biến nặng hi hữu, rất ít gặp phải.

Để dự phòng những phản ứng nặng sau tiêm, chúng tôi sẽ giám sát định kỳ các khâu từ nhập, bảo quản, vận chuyển vắc xin; Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về thực hành tiêm chủng; Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng vắc xin. Đồng thời sẽ nâng cao ý thức của cán bộ y tế trước khi tiêm phải khám sàng lọc và hỏi khỹ tiền sử bệnh tật của trẻ và tư vấn cho bà mẹ, người nhà trẻ. Tuân thủ chỉ định và chống chỉ định tiêm chủng.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hải (thực hiện)