1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Trẻ em đóng tiền xây nghĩa trang, dân không đóng thuế bị thu... giường?

(Dân trí) - Không những người lớn khốn đốn với hàng loạt loại quỹ từ thôn đến xã mà ngay cả những đứa trẻ vừa lọt lòng cũng phải đóng khoản tiền mang tên “nghĩa địa”. Có hộ nghèo vì nợ các khoản thu mà bị tước hộ nghèo; có gia đình chưa có tiền đóng thuế bị xã tịch thu... chiếc giường.

“Hoa mắt” với quỹ

Mấy năm trở lại đây, nhà nước đã có nhiều văn bản chấn chỉnh, xóa bỏ nhiều khoản phí, quỹ vô lý để giảm bớt sức đóng góp của người dân. Tỉnh Thanh Hóa cũng có nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng này, tuy nhiên tại nhiều vùng quê của Thanh Hóa, đặc biệt là ở cấp làng (thôn, xóm) nhiều các loại quỹ vẫn được “vẽ” ra để vận động người dân đóng góp trên tinh thần “tự nguyện”, nhưng chẳng khác gì bắt buộc.

Theo thông báo giao thu 6 tháng đầu năm 2016, tại thôn Thành Liên, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa), người dân phải đóng góp tới gần 20 khoản thu. Trong đó, thu theo quy định có 2 loại quỹ, còn lại hầu hết là các quỹ đóng góp khác do xã, các đoàn thể và làng đề ra và vận động nhân dân đóng góp. Nhiều khoản thu vô tội vạ mà người dân không biết thu để làm gì.

Một loạt khoản thu từ thôn đến xã khiến người dân phải è cổ ra đóng
Một loạt khoản thu từ thôn đến xã khiến người dân phải "è cổ" ra đóng

Cụ thể: Thu của HTX Nông nghiệp có 2 khoản gồm thu theo nghi quyết đại hội xã viên 32.500 đồng/sào, phí thủy nông nội đồng 11.250 đồng/sào.

Thu của UBND xã gồm: Quỹ kênh mương 32.500 đồng/sào, quỹ đầu tư công và phát triển sản xuất 40.000 đồng/khẩu, quỹ An ninh – Quốc phòng 40.000 đồng/hộ, quỹ phòng chống thiên tai 15.000 đồng/lao động.

Thu hộ các tổ chức xã hội gồm: Quỹ đền ơn đáp nghĩa 15.000 đồng/lao động, quỹ chăm sóc trẻ em, người cao tuổi 6.500 đồng/khẩu, quỹ khuyến học xã 6.500 đồng/khẩu, quỹ tổ an ninh xã hội 6.000 đồng/hộ.

Thu các khoản tại làng (thôn, xóm) gồm: Quỹ làng 6,5 kg/lao động, quỹ văn hóa làng 5 kg/khẩu, quỹ an ninh xã hội 2 kg/hộ, quỹ bảo vệ thủy lợi 5 kg/sào, quỹ thiếu niên nhi đồng 1 kg/hộ, quỹ khuyến học 5.000 đồng/khẩu, hội phí khuyến học 12.000 đồng/hộ, vệ sinh môi trường 12.000 đồng/hộ...

Người dân ở đây cho biết các khoản thu của địa phương cứ na ná nhau và có những khoản xã, thôn, các tổ chức đều thu. Thậm chí, có những khoản xã, thôn thu mà người dân không biết sử dụng vào mục đích gì.

Theo phản ánh của anh Phạm Hữu Hùng, thôn Thành Liên, từ năm 2011, gia đình anh được chính quyền địa phương bình xét là hộ nghèo của thôn, được hưởng các chế độ ưu đãi của nhà nước.

Mấy năm sau (từ 2013 đến 2015) kinh tế gia đình anh đã khá hơn, tuy nhiên vẫn nằm ở nhóm cận nghèo. Năm nay, vợ anh đau ốm, thuốc thang tốn kém, gia đình anh lại tái nghèo.

Tuy nhiên, do năm 2014, nhiều công trình được xây dựng yêu cầu đóng góp nên khoản thu quá nhiều khiến gia đình anh phải nợ lại. Nhà đông khẩu, chạy theo các khoản thu đã khó, đóng thêm hơn 6 triệu đồng nữa đã khiến vợ chồng anh kiệt sức. Không biết xoay đâu ra, anh đành nợ lại. Vậy là cộng thêm khoản nợ trước, gia đình anh Hùng nợ làng hơn 7 triệu đồng. Anh Hùng cho biết, do gia đình anh chưa có tiền đóng góp nên bị tước hộ nghèo.

Cũng ngay tại làng Thành Liên, chị Nguyễn Thị Toàn cho biết do năm 2006 gia đình chị chưa có tiền đóng thuế đã bị cán bộ làng, xã tịch thu mất chiếc giường. Sau này, khi chị lên huyện tố cáo, chiếc giường mới quay trở về với gia đình. Chuyện xảy ra đã mấy năm rồi nhưng đối với người nông dân này, đó là câu chuyện bi hài không thể nào quên.

Chị Toàn cho rằng gia đình chị bị thu chiếc giường do không đủ tiền đóng thuế nhưng cán bộ lại đổ cho chị tự nguyện nộp để răn đe chồng
Chị Toàn cho rằng gia đình chị bị thu chiếc giường do không đủ tiền đóng thuế nhưng cán bộ lại "đổ" cho chị tự nguyện nộp để răn đe chồng

Sau khi có dư luận về việc gia đình anh Hùng bị cắt hộ nghèo và việc bà Toàn bị cán bộ xã thôn tịch thu giường khi chưa đóng góp đủ tiền thuế, UBND huyện Nông Cống đã vào cuộc xác minh.

Tại bản báo cáo, xác minh sự việc có nội dung: Trong hội nghị thôn, có ý kiến đề nghị: nếu hộ ông Phạm Hữu Hùng không đóng tiền làm đường thì không cho hộ nghèo, ý kiến này được thư ký hội nghị ghi trong biên bản họp. Tuy nhiên, trưởng thôn vẫn tiếp tục đề nghị và được hội đồng xét duyệt hộ nghèo. Nhưng khi gửi thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo của anh Hùng cho một cán bộ xã cầm hộ thì sơ suất bị thất lạc.

Cũng tại báo cáo cho thấy sự việc của gia đình bà Toàn là do bà “tự nguyện” mang giường đi để răn đe ông chồng không được uống rượu và đánh đập vợ con, đập phá tài sản của gia đình chứ không phải xã “trấn lột” khi dân chưa có tiền đóng thuế.

Trẻ mới lọt lòng phải đóng tiền xây nghĩa trang

Tương tự thôn Thành Liên, các thôn như Phúc Thọ, Yên Minh… của xã Trường Sơn các khoản thu cơ bản đều giống nhau, chỉ khác ở dưới làng thu có làng nhiều, làng ít.

Trong vô số các khoản thu trên thì theo phản ánh của người dân, nặng nhất là khoản thu có tên là “Xây dựng nông thôn mới”. Khoản thu này chỉ “ưu ái” với những người hết tuổi lao động (trong độ tuổi từ 60 đến 69 tuổi sẽ phải đóng 60 nghìn đồng/vụ. Từ 70 đến 79 tuổi thì phải đóng 40 nghìn đồng/vụ. Từ 59 tuổi trở xuống tới… trẻ lọt lòng, mỗi người phải đóng là 200 nghìn đồng/vụ).

Đặc biệt, làng Phúc Thọ và Yên Minh khi xây nghĩa trang chung, 2 thôn này đã huy động tất cả trẻ nhỏ mới lọt lòng (từ 6 tháng tuổi) cho đến những người già không còn khả năng lao động phải tham gia đóng góp với mức đóng 150.000 đồng/khẩu. Mặc dù nhiều người không đồng tình với nhiều khoản thu, nhưng do ngại va chạm hoặc không muốn bị gây khó dễ nên hầu hết họ đều “tặc lưỡi” đóng cho xong nghĩa vụ.

Trẻ mới lọt lòng cũng phải đóng tiền xây nghĩa trang
Trẻ mới lọt lòng cũng phải đóng tiền xây nghĩa trang

Ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng làng Phúc Thọ, cho biết đã đưa ra họp bàn và người dân đều đồng tình. “150.000 đồng chỉ là mức tạm thu ban đầu, sau này khi xây dựng xong còn phải cân đối lại, nếu thiếu sẽ đóng tiếp. Chúng tôi huy động cả trẻ nhỏ và người già vì nếu những người đó không đóng thì bố mẹ sẽ phải đóng với mức cao hơn” – ông Tình lý giải.

Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết những quỹ của làng thì chi cho các hoạt động của làng, đã được làng bàn bạc thống nhất, thấy mức thu đó cũng không nặng nề nên xã thống nhất.

Ông Lê Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết đã nhận được thông tin phản ánh và đang giao cho UBND xã Trường Sơn phải có văn bản giải trình, trên cơ sở đó, huyện xem xét đúng sai thế nào để đưa ra hình thức xử lý kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan.

“Trường Sơn là một xã nông thôn mới đầu tiên của huyện, việc huy động sức dân là rất cần thiết, thế nhưng kêu gọi đóng góp phải được thực hiện đúng mục đích, dân chủ, được nhân dân đồng tình, tránh tình trạng dân chủ nhưng quá sức của người dân” – ông Hùng nêu quan điểm.

Bình Minh