1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trâu húc vỡ tim 19 năm vẫn sống sót

(Dân trí) - Một thanh niên 21 tuổi tình cờ được phát hiện có một trái tim không lành lặn, bị bao phủ bởi khối máu đông và dịch to gấp 3 lần quả tim bình thường… Nguyên nhân là do bị trâu húc đúng ngực khi bệnh nhân này còn là một em bé 2 tuổi…

Vỡ tim vì trâu húc

Mới đây, bệnh nhân Vũ Đình L. (21 tuổi ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đến Việm Tim mạch khám bởi khó thở, liên tục thấy đau nhói vùng ngực. Khi được tiến hành chiếu chụp, nguyên nhân được tìm thấy là bởi một thương tổn ở tim từ thời nhỏ do trâu húc khiến giờ tim của L. bị đẩy hoàn toàn sang bên phải và bị bao phủ bởi khối máu đông và dịch to gấp 3 lần quả tim bình thường, gia đình bệnh nhân đã rất sốc, bởi họ không nghĩ một va chạm từ nhỏ lại gây nên hậu quả như vậy và con họ vẫn sống sót diệu kỳ gần 20 năm với trái tim không còn lành lặn.
 
Trâu húc vỡ tim 19 năm vẫn sống sót - 1
Trái tim bất thường của L với kích thước to gấp 3 lần trái tim bình thường,
bị đẩy lệch về bên phải 15cm. Ảnh: Ngọc Ngọc

Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, năm 2 tuổi, khi L. đang chơi quanh sân nhà thì bị trâu húc thẳng ngực. Lúc đó, L bị ngã ngửa ra, khóc thét lên, ngực cũng có hơi bầm tím. Sau cơn hờn khóc, cậu bé L. lại chơi đùa, ăn uống như thường, vết bầm trên ngực dần cũng hết… nên gia đình không nghĩ tai nạn đó lại gây hậu quả gì cho L.

L. vẫn lớn lên từng ngày, vẫn phát triển bình thường, vẫn đến lớp như bao bạn cùng trang lứa, vẫn giúp đỡ bố mẹ công việc trong gia đình. Chỉ có điều, thỉnh thoảng, L. có cảm thấy tức ngực, khó thở nhưng cơn tức ngực, khó thở đó cũng qua đi nhanh chóng nên gia đình cũng không hề nghĩ tới việc đưa con đi khám. Những cơn đau ngày càng xuất hiện dày đặc hơn và đỉnh điểm là 1 tháng trở lại đây L. không thể chịu đựng nổi những cơn nhói vùng ngực, đau đến khó thở… gia đình mới đưa L. đến viện khám.

Sống sót diệu kỳ!

Bác sĩ Ngô Phi Long, Viện Tim mạch quốc gia cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, đau nhói vùng ngực. Lúc đầu, các bác sĩ nghĩ đến nguy cơ một khối u vùng ngực bởi L. còn rất trẻ, không hút thuốc, cũng không có tiền sử bệnh lý gì đặc biệt ngoài dấu hiệu thỉnh thoảng có nhói đau vùng ngực, khó thở.
 
Trâu húc vỡ tim 19 năm vẫn sống sót - 2
Đã 21 tuổi nhưng chàng thanh niên này có thể trạng gầy hơn các bạn
cùng trang lứa. Trong ảnh, bệnh nhân trước giờ phẫu thuật sáng nay. Ảnh: Ngọc Ngọc

“Khi tiến hành chụp X – quang, chúng tôi giật mình bởi bệnh nhân có một trái tim to bất thường, to gấp 3 lần một trái tim bình thường. Chưa kể, tim không ở đúng vị trí mà bị đẩy lệch hoàn toàn sang bên phải khoảng 15 cm và bị bao phủ bởi khối máu đông và dịch. Chính khối máu đông và dịch này đã làm tăng kích thước bất thường cho trái tim của L”, BS Long nói.

Trước một ca chấn thương tim nặng nề, kéo dài trong nhiều năm, các bác sĩ quyết định phải phẫu thuật cấp cứu.

TS.BS Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch (Viện tim mạch quốc gia)- người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết, thông thường vỡ tim sẽ gây chèn ép cấp tính, mạng sống chỉ tính từng phút từng giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Những chấn thương lồng ngực nặng nề này thường chỉ gặp ở bệnh nhân bị tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động. Và thương tổn này sẽ ảnh hưởng nhanh tới sức khỏe người bệnh, thường là bị tràn dịch màng tim cấp tính phải phẫu thuật ngay. Riêng với bệnh nhân này, sau gần 20 năm bị trâu húc mới có biểu hiện đau vùng ngực nặng nề. Bệnh nhân cũng không đau, khó thở tới mức phải nằm bẹp một chỗ mà vẫn đi học, đi làm bình thường, mới đây mới xuất hiện cơn đau dày đặc.

“Chấn thương vùng ngực như trên bình thường đã rất hiếm gặp trong khi đó bệnh nhân này “chung sống” với thương tổn trên suốt gần 20 năm. Đây là một trường hợp hy hữu, hiếm gặp không chỉ ở Việt Nam mà có lẽ thế giới cũng không có. Trong tình trạng thương tổn tim nặng nề như vậy, nếu không được phẫu thuật bệnh nhân sẽ bị tử vong do vỡ khối dịch”, BS Hùng nói.

Vì thế, sáng nay (7/12) các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật hút dịch cho bệnh nhân L. Theo TS.BS Hùng, bệnh nhân L. không phải bị tim bệnh lý mà chỉ là một thương tổn sau tai nạn nên sau khi phẫu thuật hút khối dịch và “vá” lại lỗ rò quả tim vỡ thì sau khi xuất hiện bệnh nhân sẽ hồi phục, có sức khỏe như những người bình thường khác.

Hồng Hải