1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trào lộng làng Quỳnh

Làng Quỳnh, ngôi làng nhỏ chưa đầy 1km2 thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nổi tiếng giỏi thơ ca.

Từ những trí thức thành danh cho đến những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, hầu như ai cũng có thể làm ra những vần thơ dí dỏm. Đó là một ngôi làng khá đặc biệt: Làng làm thơ trào phúng.

 

Những “vua thơ con cóc”

 


Trào lộng làng Quỳnh  - 1

Lối về Làng Quỳnh.

  

Làng Quỳnh bé nhỏ hồn hậu nằm ở địa đầu xứ Nghệ. Bao đời nay, con người làng Quỳnh vẫn sống bằng nghề dệt lụa và làm nông. Nhưng từ những khung cửi, từ những mảnh ruộng, sau những luỹ tre làng lại sản sinh ra những vần thơ vô cùng dí dỏm vui vẻ mang đậm chất trào phúng.

 

Ông Hồ Đức Vấn, một cao niên ở thôn 4, tuy không nhận mình là nhà thơ nhưng ông có hàng trăm bài thơ đủ thể loại. Ông Vấn có tài làm thơ lục bát dài hàng trăm câu, kể chuyện về phong cảnh, lịch sử của ngôi làng mình. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Vấn "cười" về cái tuổi già của mình: "Thầy dặn năm nay giữa tháng ba/ Khéo rồi đón chạc tiễn đưa ma/ Lên tủ ngồi vui với hương chuối/ Còn gì nữa cũng đã già!... Răng thời cái rụng, cái lung lay/ Lộn xộn y như khổ dạ dày/ Hầu hết nhờ ơn cây lưỡi gặm/ Cứng khô ăn uống quá đi đày".

 

Trào lộng làng Quỳnh  - 2
"Nhà thơ con cóc" Hồ Đức Vấn.

 

Thấy người dân trong làng quá ham rượu chè, ông Vấn đã làm bài thơ "Rượu" đầy tâm huyết: "Uống cho đổ quán xiêu đình/ Cho bụng cổ trướng, cho mình lên mây/... Nghĩa trang còn đợi nấm mồ/ Ba bốn chục tuổi bỏ bồ mà đi/ Cho đi thời cũng nằm lì/ Ma men mai phục đợi kỳ phát sinh/ Đợi ngày là cắc tùng rinh/ Kệ cha, mặc mẹ, khổ tình vợ con". Hiện nay, ông Vấn đang chuẩn bị in cuốn sách hơn 160 trang, trong đó chủ yếu là thơ có nhan đề "Quê hương tôi và tôi".

 

Nói về thơ trào phúng, thơ nghịch làng Quỳnh, ít ai trong làng nhớ được nhiều bài thơ như ông Hồ Đình Hợi. Là một người yêu thơ, từ thuở mới lớn, vì nhà nghèo không có điều kiện mua sách nên ông Hợi mượn các tập thơ hay của các cụ trong làng rồi tự tay chép lại, trong đó có cả Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm.

 

Ông Hợi kể, xưa có ông Dương Tri Tản vốn học giỏi nhưng không thích thi cử, có biệt tài xuất khẩu thành thơ. Có lần, bạn đến chơi nhà đố ông vịnh cái điếu bát, ngay lập tức ông Tản đọc thơ: "Eo lưng, thắt giải thật là xinh/ Điếu ai hơn nữa điếu cô mình/ Thoắt châm, thoắt bén duyên hương lửa/ Càng nói càng say nỗi tính tình".

 

Còn riêng nói về tài làm thơ nghịch, theo ông Hợi, không ai qua tài ông Nguyễn Bá Du ở thôn 3. Ông Hợi kể: "Thời còn Hợp tác xã, địa phương phát động phong trào lên miền núi xây dựng kinh tế mới, biết được nhiều cảnh cơ cực lâm vào bước đường cùng, ông Du làm mấy câu thơ: "Nông trang, nông trại/ đứa mô ngu dại/ thì đi nông trang/ xa xóm, xa làng/ xa quê hương mãi...". Thơ đến tai chính quyền địa phương. Ông Du bị triệu tập lên làm tường trình, vì dám làm thơ châm chọc chủ trương của chính quyền xã. Lúc đó ông Du mới cãi: "Chắc ai đó bịa ra chứ tôi đâu dám làm thơ nghịch như thế.

 

Nguyên văn bài của tôi là: "Nông trang, nông trại/ Thắm tình An- Ngãi (tỉnh Nghệ An kết nghĩa với tỉnh An Ngãi (cũ)/ thì đi nông trang/ có xóm có làng/ có quê hương mới/ cán bộ lui tới/ Chính phủ đỡ đầu/ cấp ruộng, cấp trâu/ làm nhà, làm cửa/ vài ba năm nữa/ có điện, có đài/ có con sông dài/ có vòi nước máy/ không ăn ruốc cáy/ như ở quê nhà/ tha hồ tăng gia/ dê cừu bò lợn…). Đọc xong, không những không bị phạt ông Du còn được tuyên dương".

 

Cuối những năm 80, đầu năm 90 của thế kỷ trước, địa phương lại có chủ trương vào Đắk Lắk xây dựng vùng kinh tế mới, ông Du bí mật "ra" thơ:"Đắk Lắk, Đắk Lây/ Bay cứ vào đây/ có cà phê đặc/ có điện nguy nga/ mỗi đứa mỗi tòa/ giống như... lều vịt". Lần này, chính quyền xã gọi ông ra trụ sở quyết làm cho ra nhẽ. Ông thở dài thườn thượt: "Bọn trẻ con lại mạo thơ rồi, oan cho tôi quá. Tôi viết: "Mỗi đứa mỗi nhà/ như nhà Bảo Đại/ đứa mô ngu dại/ không đi Đắk Lây" chứ đâu phải ở lều con vịt mà không đi vào Đắk Lây, Đắk Lắk".

 

Lần khác thấy mấy ông cụ đang hì hục đào hố trồng cây, ông Du chọc vui: "Các cụ trồng cây ở vệ đường/ Cụ nào cụ nấy ngực giơ xương". Nghe 2 câu thơ nghịch này, UBND xã cử cán bộ văn hóa đến hỏi ngay, nhưng ông Du liền thanh minh bằng 2 câu thơ thuận: "Mấy cụ trồng cây ở vệ đường/ cụ nào cụ nấy mặt như gương". Từ đó, biết tính ông Du nghiện làm thơ vui nên không ai bắt bẻ ông nữa. Ông Hợi cho hay, ông Du đã mất cách đây mấy năm, những bài thơ dung dị, vui vẻ đời thường cũng đang được người nhà ông tập hợp lại. Bởi lúc sinh thời, những bài thơ đó được ứng khẩu từ cuộc sống thường nhật, chứ ông không có ý định viết và lưu lại.

 

Và “thơ trào phúng”

  

Trào lộng làng Quỳnh  - 3
Ông Hồ Sĩ Bằng giới thiệu bộ sưu tầm về văn chương Làng Quỳnh đồ sộ của mình.

 

Ông Hồ Sĩ Bằng, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cũng là người con làng Quỳnh. Xuân này, ông bước sang tuổi 86, tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn miệt mài sưu tầm, tập hợp những tác phẩm văn chương của con dân làng Quỳnh, kể cả sách báo nói về quê hương.

 

Hôm chúng tôi đến nhà ông ở Ô Chợ Dừa (Hào Nam, Hà Nội) cũng là hôm ông đảo tung phòng sách của mình để phơi, chống ẩm, mối mọt. Riêng về thơ ca làng Quỳnh, ông Bằng có đến một thùng to những sách, giấy, bản viết tay. Ông Bằng cho biết: "Người dân quê tôi có tài làm thơ, đặc sắc là thơ trào phúng. Những vần thơ đó mộc mạc, dí dỏm chọc ngoáy nhưng thể hiện được sự bộc trực, ngay thẳng của mình".

 

Bản thân ông Bằng cũng là người thường xuyên làm thơ trào phúng với hàng trăm bài được tập hợp trong tập "Tâm sự", là cuốn nhật ký bằng văn vần sinh động mà thâm thuý. Thấy cảnh "ô dù" nâng đỡ nhau trong xã hội, ông làm mấy câu: "Ô để che nắng che mưa/ Phải đâu che bọn lọc lừa hại dân/ Phải đâu che bọn nịnh thần/ Các loại thoái hoá, hỏng thân ô tàng". Có lần, ông châm chọc kẻ hay bốc phét: "Chuyên gia "bách khoa"/ Ba hoa xích tốc/ Thường hay nói dốc/ Thủ trưởng đớp ngay/ Đến khi lăn quay/ Mới hay mình ngốc/ Thế là hết bốc/ Cả tớ lẫn thầy/ Nhân dân vỗ tay/ Chê bọn điên dốt".

 

Ông Bằng tâm sự: Thơ trào phúng làng Quỳnh không chỉ chọc ngoáy mà còn thể hiện được tình cảm gia đình mặn nồng. Bài thơ "Thương vợ" của nhà thơ Dương Tự Cường hẳn người làng ai cũng thuộc: "Đêm nằm sờ vợ nghĩ mà thương/ Cái bụng đói meo lép tận giường/ Đôi má nhăn nheo nào thấy thịt/ Cặp giò ngiu ngẳng đã giơ xương/ Bởi thương con cái chưa no ấm/ Hay xót ông chồng mãi gió sương/ Hết nắn lại sờ, sờ lại nắn/ Càng sờ, càng nắn lại càng thương".

 

Ngoại trừ những bài thơ trào phúng được sáng tác trong quá trình lao động của những người nông dân chân chất, làng Quỳnh có những nhà thơ trào phúng có tiếng ở làng thơ Việt Nam như nhà thơ Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), Hồ Sĩ Giàng, Hồ Văn Khuê, Dương Huy, Dương Tự Cường...

 

Nhà thơ trào phúng Dương Huy - nguyên Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam - là người quanh năm suốt tháng làm thơ trào phúng đăng báo. Sau ngày về hưu, mỗi ngày ông phải viết ít nhất một bài thơ châm biếm cho các tờ báo đã đặt hàng. Tài sản văn chương của ông là hơn 1.000 bài thơ trào phúng, in cuốn nào bán hết veo cuốn đó.

 

Tồn tại gần 700 năm, những người con của ngôi làng cổ kính ấy vẫn tiếp nối cha anh cái nghiệp văn chương. Không thống kê hết ở làng Quỳnh từ trước tới giờ có bao nhiêu nhà thơ, chưa kể những "nhà thơ con cóc" sinh ra lớn lên sau lũy tre làng. Hồn văn chương của những lớp người đi trước đã truyền cho đời sau làm nên một làng Quỳnh độc nhất vô nhị.

 

Theo An Quỳnh

 Gia đình & Xã hội