Trao giải thưởng sáng tác, quảng bá về học và làm theo tấm gương Bác Hồ
Tối 25/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Ban Tổ chức đã trao 116 giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đợt 1, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, 29 giải được trao cho khối phong trào và 87 giải cho khối chuyên nghiệp (gồm 9 giải A, 13 giải B, 12 giải C và 20 giải khuyến khích).
Ban Tổ chức vinh danh 34 tác phẩm, 5 tập thể, một cá nhân đoạt Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2021 - 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Tại buổi Lễ, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hưởng ứng kế hoạch phát động của Ban Tuyên giáo Thành ủy, hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã thu hút đông đảo đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo, cán bộ ngành Tuyên giáo cùng nhiều tầng lớp nhân dân thành phố tham gia bằng những tình cảm đặc biệt nhất dành cho Bác.
Sau hơn 2 năm triển khai, Ban Tuyên giáo Thành ủy nhận được 301 tác phẩm dự thi. Mỗi tác phẩm có cách khắc họa riêng, là cung bậc cảm xúc, niềm kính yêu vô hạn của các tác giả đối với Bác Hồ; tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chất liệu để các tác giả - công dân thành phố mang tên Bác tạo nên những tác phẩm chân thực và sâu lắng, làm rung động lòng người.
Đặc biệt, giải thưởng lần này có nhiều tác phẩm về điển hình học tập và làm theo gương Bác của cán bộ, chiến sỹ, cựu chiến binh, học sinh thành phố, được thể hiện khá phong phú và đa dạng qua các loại hình nghệ thuật.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê mong rằng, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, về lòng tự hào là công dân thành phố mang tên Bác, hòa chung các hoạt động hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn học, nghệ thuật, báo chí Việt Nam.
Tại Lễ trao giải, các đại biểu dâng trào niềm tự hào, sâu lắng khi nghe ca khúc "Ba Đình còn vang vọng tiếng Người" của Nhạc sỹ Võ Thiên Lan (thơ Trần Thế Tuyển), ca khúc "Tháng Năm nhớ Bác" của Nhạc sỹ Phạm Hoàng Long (thơ Thục Quyên). Các đại biểu có dịp lắng đọng về ký sự khắc họa những văn nghệ sỹ thời kháng chiến - tác giả của nhiều tác phẩm văn học đi cùng năm tháng như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư... qua tác phẩm "Nhà văn và chữ tình gửi lại" của Nhà văn Trình Quang Phú. Đó còn là những câu chuyện, gợi ý cụ thể, thiết thực để học tập và làm theo Bác trong sách tham khảo Học và làm theo Bác.
Người xem xúc động trước vở múa "Hoàng hôn", thể hiện những ký ức bi hùng trong chiến tranh; tác phẩm múa "Con đường trên biển", nói về sự hy sinh của các chiến sỹ trên con "Tàu không số - đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại năm xưa" tại vịnh Vũng Rô; tình cảm và tâm huyết của các nhà báo thông qua báo chí như tác phẩm "Chuyên đề kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Báo Người Lao Động, tác phẩm "Còn vang mãi lời Bác" của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh… Tất cả đều đã phản ánh rõ nét về một thành phố năng động, phát triển, đổi mới từng ngày, vươn lên tầm cao mới.