1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đà Nẵng:

Tranh luận "nóng" về cây cầu đi bộ qua sông Hàn

(Dân trí) - Hầu hết các chuyên gia ngành xây dựng, các kiến trúc sư khi được tham gia phản biện ý kiến về dự án cầu đi bộ bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng) đã bày tỏ những băn khoăn về việc có cần thiết xây dựng cầu lúc này.

Ngày 8/4, Ủy ban MTTQ VN TP Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các hội đồng tư vấn, tổ chức thành viên để tổng hợp trước khi trình lên Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng về phương án kiến trúc quy hoạch “Cầu đi bộ” qua sông Hàn.

Mô hình cầu đi bộ “Con sò” bắc qua sông Hàn
Mô hình cầu đi bộ “Con sò” bắc qua sông Hàn

Dự án cầu đi bộ qua sông Hàn đã được TP Đà Nẵng thống nhất chọn phương án kiến trúc cầu hình vỏ sò do Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời làm chủ dự án với tổng kinh phí đầu tư khoảng 30 triệu USD. Chủ trương của Đà Nẵng sẽ thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với phương án hoàn trả vốn đầu tư cho dự án từ tiền sử dụng đất của một số dự án trên địa bàn.

Địa điểm xây dựng thuộc địa bàn 2 quận Sơn Trà và Hải Châu tại vị trí phía bờ Tây được nối với nút giao thông Đống Đa - Bạch Đằng, bờ Đông nối với khu thương mại của dự án Olalani với chức năng chỉ dành cho người đi bộ và xe đạp.
 
Đại diện nhà đầu tư trình bày phương án xây cầu
Đại diện nhà đầu tư trình bày phương án xây cầu

Kiến trúc sư (KTS) Phan Đức Hải - Phó Chủ tịch thường trực Hội quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng - cho rằng: Đà Nẵng đô thị hóa và xây dựng nhanh đôi lúc thiếu tầm kiểm soát và dễ hụt hơi khi bị tác động của suy thoái kinh tế và sự đóng băng của thị trường BĐS. Vì vậy vào thời điểm hiện nay bỏ ra hàng chục triệu USD để xây dựng cầu cho người đi bộ có quá lãng phí không, khi tất cả những cây cầu hiện hữu vẫn đảm bảo thừa chức năng phục vụ giao thông cho người và xe cũng như nhu cầu tham quan thưởng ngoạn cảnh quan? Chỉ nên thực sự đầu tư khi có nhu cầu và quy hoạch.

KTS Phan Đức Hải cũng băn khoăn, nếu TP đã xác định cầu đi bộ là một điểm nhấn nhằm góp phần thúc đẩy phát triển khu dịch vụ du lịch hai bên bờ sông Hàn với phương thức “đổi đất lấy hạ tầng” thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Vì trên thế giới người ta cũng xây dựng cầu vượt sông nhưng đó là chuyện của “nhà giàu” khi đô thị đã phát triển đồng bộ, cây cầu chỉ mang tính làm cảnh, trang trí, tham quan và thưởng ngoạn nhiều hơn.

Ông Nguyễn Đình An - nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) thì cho rằng, đây là một cây cầu đi bộ nhưng không phải là một dạng đi bộ bình thường vì cầu phục vụ cho người đi bộ và xe đạp nên trên cầu có những điểm dừng chân ngắm cảnh và tổ chức các sự kiện khác trên cầu như giải trí, ẩm thực…

“Xin hỏi lượng người có trên cầu và trên đảo nổi tối đa cho phép là bao nhiêu? Đây là vấn đề cần quy định rõ và thực hiện nghiêm túc vì trên thế giới đã có trường hợp vì ùn ứ, chen lấn quá tải gây sập cầu dẫn đến thương vong lớn”, ông Nguyễn Đình An nói.
 
Đại diện nhà đầu tư trình bày phương án xây cầu
Ông Nguyễn Đình An - nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phát biểu tại buổi góp ý

Ông Nguyễn Đình An cũng băn khoăn về hiệu quả kinh tế của cây cầu đi bộ này, ông nói: Giả sử cây cầu được xây dựng với tổng mức đầu tư là 30 triệu USD (khoảng 630 tỉ đồng) và thời gian khấu hao là 20 năm, hàng năm phải khấu hao là 630 tỉ chia 20 năm cộng lãi vay.

Ông An cũng cho hay năm 2013, tổng doanh thu ngành du lịch Đà Nẵng khoảng 2.600 tỉ đồng. Nếu tính lạc quan thì lãi ròng từ doanh thu ấy khoảng 15% (40 tỉ đồng/năm). Có cầu đi bộ du khách đến với Đà Nẵng sẽ tăng và thời gian lưu trú cũng như mức chi tiêu cũng tăng, nhưng không thể tính toán cụ thể được. Tuy nhiên không thể chắc chắn được du khách sẽ tăng lên bao nhiêu, doanh thu sẽ tăng bao nhiêu…?

“Một câu hỏi được đặt ra là để ngành du lịch Đà Nẵng có sự đột phá, việc cần làm ngay là gì? Cầu đi bộ có phải là sản phẩm ưu tiên, có thể tạo ra đột phá không?”, ông An bày tỏ. Ông cũng cho rằng những câu hỏi trên không dễ gì tìm được lời đáp. Vậy có lẽ đành chấp nhận kết luận: Xây cầu đi bộ nhất định sẽ có tác dụng tốt với ngành du lịch Đà Nẵng, sẽ tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch Đà Nẵng; nhưng nếu nhìn một góc khác thì có thể đồng tình với ý kiến chưa nên triển khai xây dựng cầu lúc này.

Góp ý về cầu đi bộ, ông Bùi Văn Tiếng - Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - cho rằng, nếu lúc này Đà Nẵng muốn làm mới một cây cầu đi bộ bắc qua sông Hàn thì liệu người dân TP có đồng thuận? “Nếu hiểu đồng thuận theo nguyên tắc toàn thể thống nhất, tức phải đạt 100% số phiếu thì theo tôi rất khó đồng thuận”, ông Tiếng phát biểu.
 
Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng cầu đi bộ chỉ nên dài từ 300-350m
Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng cầu đi bộ chỉ nên dài từ 300-350m

Ông Tiếng cũng cho rằng phải đặt việc xây dựng cầu đi bộ hình con sò trong mối tương quan với toàn bộ quy hoạch cầu trên sông Hàn. Vị trí dự kiến xây dựng cầu đi bộ trùng với vị trí TP dự kiến xây một cây cầu khác - cây cầu không thể không xây thêm khi nhu cầu giao thông qua cầu sông Hàn tăng lên trong tương lai.

Ông Tiếng cũng phân vân về tổng chiều dài 490m của cầu đi bộ. Nhìn chung cầu đi bộ bắc qua sông thường dài khoảng hơn 300m như các cây cầu đi bộ nổi tiếng trên thế giới như cầu đi bộ Thiên niên kỉ ở Luân Đôn (Anh) dài 333m, cầu Simone de Beauvoir bắc qua sông Seine (Paris, Pháp) dài 304m.

Tại buổi đóng góp ý kiến, hầu hết các chuyên gia trong ngành xây dựng, kiến trúc đưa ra các đánh giá trên cơ sở nghiên cứu từ thực tế khách quan về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của Đà Nẵng hiện nay để đóng góp thêm việc tiến hành xây dựng câu cầu này.
 
Ông Lê Văn Trung – quyền Giám đốc Sở GTVT đề nghị các chuyên gia ủng hộ xây dựng cầu đi bộ “Con sò”
Ông Lê Văn Trung – quyền Giám đốc Sở GTVT đề nghị các chuyên gia ủng hộ xây dựng cầu đi bộ “Con sò”

Ông Lê Văn Trung, quyền Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, cây cầu được UBND TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương đầu tư, đã có 16 đơn vị tư vấn trong và ngoài nước được mời tham gia tư vấn, sau đó còn 7 đơn vị và đến tháng 11/2013, phương án “Cầu vỏ sò” được chọn.

Ông Trung cũng cho rằng, cầu đi bộ này được đầu tư theo phương thức BT. Sau khi xây dựng, nhà đầu tư sẽ bàn giao cho TP và TP dùng quỹ đất giao cho nhà đầu tư. “Càng làm chậm thì số tiền bỏ ra đầu tư sẽ tăng lên nên các đại biểu ủng hộ TP xây cầu”, ông Lê Văn Trung nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Nguyễn Ngọc Tuấn - cho rằng đây là bước đi cần thiết chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển của TP. “Chúng tôi ghi nhận, xem xét các ý kiến trong quá trình thực hiện dự án”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm