1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tranh luận Luật Giáo dục, Quốc hội suýt họp buổi tối

Trước những ý kiến trái chiều xung quanh Luật Giáo dục (sửa đổi), trước giờ nghỉ giải lao chiều 13/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã đề xuất Quốc hội xem xét làm việc thêm buổi tối. Tuy nhiên, theo kết quả biểu quyết cuối giờ làm việc, hơn 60% đại biểu cho rằng nên chấm dứt thảo luận.

Theo Chủ tịch Nguyễn Văn An, trong buổi thảo luận hôm nay, các đại biểu đã đưa ra những lý lẽ rất sắc sảo để bảo vệ quan điểm của mình. "Nhiều đại biểu đưa ra những lý lẽ quá sắc sảo, đầy tâm huyết. Tôi ngồi chủ tọa cũng thấy xúc động. Từ sáng đến giờ, tôi thấy hai vấn đề còn gây tranh cãi nhiều nhất là giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS và vấn đề đổi tên gọi các cấp học thành cấp 1, 2, 3. Quốc hội sẽ chọn phương án nào có nhiều lý lẽ thuyết phục hơn", Chủ tịch nói.

 

Về việc chuyển tên gọi cấp học thành cấp 1, 2, 3 (thay cho tiểu học, THCS, THPT), Chủ tịch Nguyễn Văn An cho rằng, nếu đổi tên chỉ vì không quen, dễ lẫn thì chưa thỏa đáng. Việc chưa quen có thể là do chúng ta còn ít tiếp xúc với tên gọi các cấp học này. "Tôi đồng tình với quan điểm chúng ta không sợ tốn tiền nếu việc đó là tốt. Tuy nhiên, lần trước khi đổi cấp 1, 2, 3 sang tiểu học, THCS, THPT chúng ta lấy lý lẽ là hội nhập quốc tế. Theo tôi đấy là một lý lẽ quan trọng", Chủ tịch nói.

 

Đồng tình với quan điểm đã học là phải thi, nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay học sinh THCS phải trải qua 2 kỳ thi: tốt nghiệp và thi tuyển vào lớp 10. Hai kỳ thi này có cùng kiến thức như nhau, do vậy nên xem xét bỏ một kỳ thi. "Lịch làm việc của kỳ họp đã sắp xếp kín nên không thể kéo dài thảo luận sang sáng mai. Nếu sau giờ nghỉ giải lao, các đại biểu có nhiều ý kiến mới Quốc hội sẽ biểu quyết làm việc buổi tối thứ 2 tới. Chúng ta không nên ngại vì Quốc hội nước ngoài vẫn làm việc đến 2-3 giờ sáng để bàn cho ra vấn đề", Chủ tịch Nguyễn Văn An đề xuất.

 

Tuy nhiên, trong thời gian thảo luận cuối buổi chiều, không có nhiều ý tưởng mới so với các ý kiến phát biểu trước đó. Mặc dù còn gần 20 đại biểu đăng ký chưa được phát biểu, nhưng Quốc hội đã biểu quyết không kéo dài thời gian thảo luận Luật Giáo dục (sửa đổi).

 

Theo VnExpress