Tranh chấp đất 20 năm, Chủ tịch TPHCM giải quyết trong 1 giờ
(Dân trí) - 20 năm ròng ông Giảng và các hộ dân xung quanh tranh chấp mảnh đất dùng làm lối đi chung. Ngày 11/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong quyết định gặp gỡ, nghe ông Giảng trình bày và ra quyết định giải quyết ngay cho ông Giảng.
Theo lịch làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tiếp và giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Thanh Giảng vào lúc 8h ngày 11/8. Tuy nhiên, Chủ tịch Thành phố phải chờ đến 9h ông Giảng mới được con đưa đến trụ sở UBND TPHCM vì lý do kẹt xe.
Vừa gặp Chủ tịch, ông Giảng "bung" ngay bức xúc đã chịu đựng suốt nhiều năm: “Đường đi chung bị lấn chỉ còn 1m, lỡ tôi có chuyện gì làm sao khiêng quan tài ra ngoài?”.
Con ông Giảng đính chính: “Con đường chỉ còn 9 tấc thôi, đi xe máy vào không được, đi bộ còn khó khăn nữa là…”.
Theo báo cáo của Ban Tiếp công dân Thành phố, sự việc xảy ra từ năm 1997, khi UBND huyện Bình Chánh có quyết định xác lập quyền quản lý nhà nước đối với phần đất 5.000m2 ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh thì các hộ dân sinh sống ở đây xảy ra khiếu kiện, tranh chấp.
UBND TP đã ban hành nhiều quyết định giải quyết khiếu nại tại khu vực này, trong đó quyết định gây tranh cãi nhất là quyết định số 3386 (vào năm 2005). Theo quyết định này, TP công nhận một phần đất hình chữ L có chiều ngang 2m (gồm 1m hiện hữu và 1m thuộc phần đất của hộ ông Tới) dài gần 32m với tổng diện tích hơn 70 m2 cho các hộ bên trong gồm ông Giảng, ông Tới, ông Tám sử dụng làm lối đi chung.
TP cũng lưu ý các hộ có trách nhiệm bảo đảm sự thông thoáng, mỹ quan cho lối đi và giao UBND huyện xử lý các trường hợp lấn chiếm, xây dựng, chuyển nhượng đất trái phép trên khu đất.
Tuy nhiên, sau đó ông Tới khiếu nại. Ngày 28/6/2011, UBND TPHCM lại có quyết định số 3252 sửa đổi một phần quyết định 3386, công nhận phần đất chữ L có chiều ngang 1m, dài gần 32 m sử dụng làm lối đi chung (tức không lấy vào 1m thuộc phần đất ông Tới đang sử dụng). Điều này làm cho lối đi chung chỉ còn rất hẹp, gây khó khăn cho các hộ bên trong.
Ông Giảng không đồng ý và quyết định vừa khiếu nại hành chính, vừa nộp đơn khởi kiện ra toà. Giải quyết khiếu nại, Thanh tra Thành phố xác định việc ông Giảng yêu cầu huỷ bỏ quyết định 3252 của UBND TPHCM là không có cơ sở.
Tuy nhiên, tháng 10/2014, khi đưa vụ việc ra xét xử, TAND tối cao tại TPHCM đã có bản án số 151 yêu cầu “huỷ bỏ quyết định hành chính số 3252 của Chủ tịch UBND TPHCM…”.
Chấp hành phán quyết, thường trực UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện triển khai thực hiện bản án. Ngày 2/12/2016, Sở TNMT có văn bản kiến nghị UBND TPHCM giao UBND huyện Bình Chánh thực hiện nội dung của Quyết định 3386 của UBND TPHCM. Tuy nhiên, suốt từ thời điểm đó đến nay, dù Văn phòng tiếp công dân đã nhiều lần có văn bản kiến nghị nhưng vụ việc vẫn chưa được UBND TPHCM có ý kiến chỉ đạo dứt điểm.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP khẳng định, yêu cầu của ông Giảng là phù hợp và chính đáng vì đã có bản án của toà phúc thẩm.
Còn đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết: “Nếu thành phố chỉ đạo, trong vòng 30 ngày huyện sẽ thực hiện ngay”.
Nghe xong các bên trình bày, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói: “Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi rất chia sẻ với nỗi nhọc nhằn của ông Giảng suốt 20 năm qua, từ khiếu nại giải quyết không thoả đáng, dẫn đến khiếu kiện”.
Ông kết luận: “Toà án đã có bản án phúc thẩm tuyên huỷ quyết định 3252, như vậy là thừa nhận quyết định 3686 (tức là chừa lối đi rộng 2m). Vậy mà từ lúc toà tuyên đến nay các cơ quan chức năng chưa giải quyết. Tôi đề nghị Sở TNMT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan và huyện Bình Chánh khẩn trương thực hiện theo bản án phúc thẩm”.
Chủ tịch UBND TP dặn dò thêm: “Về mặt thủ tục, UBND TP sẽ ban hành quyết định huỷ bỏ quyết định 3252. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì khó khăn thì các sở ban ngành báo cáo UBND TP xem xét. Thời gian giải quyết theo luật định”.
Quốc Anh