Tranh cãi quanh đề xuất thu lệ phí cấp Căn cước công dân

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) - cho rằng, đề xuất thu lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu 70.000 đồng của Bộ Tài chính trái Luật Căn cước công dân 2014 nhưng lại phù hợp với Luật Phí và lệ phí 2015 (?!).

Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó cục trưởng C72 (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) - trong lần giới thiệu về thẻ căn cước công dân hồi đầu năm 2016 (Ảnh: T.K)
Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó cục trưởng C72 (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) - trong lần giới thiệu về thẻ căn cước công dân hồi đầu năm 2016 (Ảnh: T.K)

Theo Điều 32 Luật Căn cước công dân năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi làm thẻ Căn cước công dân lần đầu không phải nộp lệ phí cấp thẻ. Công dân chỉ phải nộp lệ phí khi đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân hoặc có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý Căn cước công dân. Bộ Tài chính quy định cụ thể mức thu và các trường hợp được miễn, giảm lệ phí khi đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Tuy nhiên, dự thảo Thông tư “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp căn cước công dân” đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi lại đề xuất kể từ ngày 1/1/2017 thay vì được miễn phí khi cấp mới thẻ Căn cước công dân lần đầu như quy định hiện hành thì nhiều đối tượng công dân sẽ phải nộp lệ phí.

Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân phải nộp lệ phí cấp Căn cước công dân: Cấp mới, cấp lại: 70.000 đồng/thẻ; đổi 50.000 đồng/thẻ.

Bộ Tài chính khẳng định, việc thu phí này được căn cứ trên ý kiến góp ý của Bộ Công an và quy định của Luật Phí và lệ phí ban hành năm 2015. Tổ chức thu lệ phí là Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an), Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an quận, huyện thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương.

Trả lời PV Dân trí sáng 13/9, Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) cho rằng, Luật Căn cước công dân được ban hành năm 2014 miễn phí việc cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu, nhưng Luật Phí và lệ phí năm 2015 lại quy định việc thu lệ phí cấp chứng minh nhân dân và Căn cước công dân. Chính vì thế, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi tới các bộ ngành đề nghị rà soát, điều chỉnh lại các thông tư có nội dung liên quan đến việc thu lệ phí đối với dịch vụ hành chính công cho phù hợp với Luật Phí và lệ phí 2015.

“Trong Luật Phí và lệ phí 2015 có hướng dẫn, trường hợp luật khác có quy định về phí, lệ phí thì các nội dung về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thực hiện theo quy định của Luật Phí và lệ phí. Trên thế giới rất ít nước người ta không thu khoản này. Thu mấy chục nghìn không khiến người ta nghèo đi. Quan điểm của chúng tôi là dự thảo này phù hợp với Luật Phí và lệ phí 2015, còn việc Bộ Tài chính ban hành hay không là do Bộ Tài chính, không phụ thuộc vào Bộ Công an”- ông Thắng nói.

Tuy vây, đại diện Bộ Tư pháp phản ánh, trước khi ban hành Luật Căn cước công dân 2014, Quốc hội đã thảo luận rất kỹ về việc thu lệ phí trong trường hợp xin cấp mới, cấp đổi căn cước. Sau đó, Quốc hội đã thông qua việc không thu phí lần đầu cấp Căn cước công dân. Việc Bộ Tài chính dựa vào quy định của Luật Phí và lệ phí ban hành sau Luật Căn cước công dân để làm căn cứ thu phí cấp mới Căn cước công dân với mức 70.000 đồng cần phải được rà soát lại kỹ lưỡng.

Nhiều luật sư cũng khẳng định việc thu phí cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu đối với công dân được nêu trong dự thảo do Bộ Tài chính soạn thảo trái với Luật Căn cước công dân 2014 và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của công dân nên cần xem xét loại bỏ nội dung này để hệ thống pháp luật được thống nhất, quyền lợi của công dân được đảm bảo.

Thống kê của Bộ Công an cho biết, đến nay đã có khoảng 3,5-4 triệu người dân ở 16 địa phương (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình) được cấp mới, đổi thẻ Căn cước công dân. Việc cấp thẻ Căn cước công dân ở 16 địa phương này đang gặp trục trặc do lượng phôi dự phòng sản xuất thẻ bị hết, hệ thống máy móc phải thuê chuyên gia nước ngoài bảo trì lại.

Thế Kha