1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Tranh cãi chuyện phá thai, sinh con

Những quy định mới như cấm phá thai trên 12 tuần tuổi, cấm lựa chọn giới tính thai nhi hay hỗ trợ tiền các cặp vợ chồng sinh toàn con gái… tại dự thảo Luật Dân số đang gây ra nhiều tranh luận

Dự thảo Luật Dân số lần 3 đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Một trong những đề xuất quan trọng của dự thảo là cấm phá thai trên 12 tuần tuổi (trừ các trường hợp đặc biệt như: có thai do bị hiếp dâm, loạn luân, người chưa thành niên, chưa kết hôn, có bằng chứng về dị tật thai nhi…).

Phá thai có điều kiện

Liên quan đến quy định phá thai phải có điều kiện này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân (năm 1989) quy định phụ nữ có quyền phá thai theo nguyện vọng, trong khi dự thảo Luật Dân số lại vừa cấm vừa cho. Do đó, cần làm rõ vì sao có sự không thống nhất này cũng như đưa ra đánh giá về các tác động xã hội trong trường hợp quy định cấm phá thai.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân được luật hóa với nhiều quy định trong dự thảo Luật Dân số
Khám sức khỏe tiền hôn nhân được luật hóa với nhiều quy định trong dự thảo Luật Dân số

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Bách, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra thuộc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, phân tích: Các quy định về cấm phá thai trên 12 tuần tuổi, phá thai an toàn trong dự thảo Luật Dân số sẽ hạn chế tình trạng phá thai quá dễ dãi, giúp làm tăng trách nhiệm phòng tránh thai, hạn chế sự lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, cần cân nhắc tác động xấu của nó bởi việc cấm đồng nghĩa hạn chế quyền sinh sản của cá nhân, nhất là người mang thai ngoài ý muốn nhưng chưa có ý định sinh, còn muốn rảnh rang để làm kinh tế, học tập…

“Việc cấm đoán có thể làm gia tăng tình trạng nạo phá thai không an toàn nhưng nếu “mở” cũng sẽ dẫn đến việc người dân chủ quan với phòng tránh thai, thậm chí nhiều người lợi dụng để phá thai lựa chọn giới tính thai nhi (phá thai trên 12 tuần)…” - ông Bách lưu ý.

Có được tự do sinh con?

Một trong những nội dung gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình xây dựng Luật Dân số là quy định về số con của mỗi cặp vợ chồng. Một luồng ý kiến cho rằng cần tiếp tục vận động “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con” hoặc nới lỏng “mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con”. Luồng ý kiến khác muốn quay lại quy định như Pháp lệnh Dân số 2003, tức các cặp vợ chồng có quyền tự quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Đó cũng là lý do dự thảo lần này vẫn đưa ra 2 phương án để tiếp tục bàn thảo.

Ông Nguyễn Văn Tân nêu quan điểm: Đảng và nhà nước luôn tôn trọng quyền tự quyết định trong việc sinh đẻ của người dân. Sinh sản cũng là quyền của mỗi người và phải được bảo vệ như là một cấu thành bất biến, không thể tách rời của quyền con người. Tuy nhiên, để bảo đảm đạt được mục tiêu an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước thì nhất thiết phải vận động người dân sinh từ 1 đến 2 con.

Theo đề xuất của ông Tân, tùy tình hình thực tế tại mỗi địa phương mà vận động “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con” hay “mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con”. Chẳng hạn, tại TP HCM có thể vận động sinh đủ 2 con, còn những địa phương có mức sinh cao thì vận động sinh từ 1 đến 2 con. “Cần đẩy mạnh tuyên truyền để được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tự nguyện chấp nhận, thực hiện các mục tiêu của cuộc vận động vì lợi ích chung của đất nước cũng như của chính người dân” - ông Tân nhấn mạnh.

Hỗ trợ tiền sinh con gái: Khó khả thi

Có khá nhiều tranh luận xung quanh đề xuất mới tại dự thảo Luật Dân số lần này, đó là hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh toàn con gái. Nhiều ý kiến cho rằng đề án hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề là chính sách nhân văn, góp phần mang lại sự cân bằng giới tính. Dù vậy,  không ít người lo ngại điều đó sẽ khoét sâu khoảng cách giới, làm thiệt thòi cho các gia đình “vô tình” sinh toàn con trai. Ngay cả các gia đình sinh toàn con gái cũng có tâm lý “tủi thân” hơn.

Lo ngại mức sinh giảm mạnh

Trung bình số con của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của cả nước đã giảm từ 6,4 năm 1960 xuống còn 2,1 vào năm 2006 và tiếp tục duy trì cho đến nay. Đáng lo ngại là xu hướng mức sinh thấp hiện hữu ở nhiều tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, như: TP HCM, Cà Mau, Hậu Giang…

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng số trẻ sinh ở TP HCM là 21.660, giảm 3.610 (hơn 14%) so với cùng kỳ năm 2014. Tại TP HCM, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2014 là 1,35.

“Thông thường, các chính sách hỗ trợ được dành cho các đối tượng “yếu thế”, thiệt thòi, trong khi chúng ta đang hướng tới việc bình đẳng nam - nữ. Có thể đối với nhiều gia đình sinh 2 con gái, việc cho tiền như thế còn là sự xúc phạm. Chưa kể nếu tặng tiền rồi nhưng lỡ người ta lại có thai, mà luật đã có quy định rất chặt chẽ về việc cấm phá thai, thì xử lý thế nào? Cá nhân tôi không đồng tình với đề xuất này”. GS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em - thẳng thắn.

Phân tích về đề xuất hỗ trợ tiền khó khả thi, ông Cử còn nêu thực tế hiện nay, những người theo đuổi sinh con thứ ba thường khá giả hoặc những gia đình cố sinh bằng được con trai theo sức ép của dòng tộc bởi quan niệm “nối dõi tông đường”. Ông nhìn nhận: “Khi những gia đình coi con trai là khát vọng thì không phần thưởng nào có thể so bì hơn. Thậm chí, có cho tiền tỉ hay dù phạt tiền, cách chức, kỷ luật…, nhiều người cũng chấp nhận để sinh bằng được con trai”.

Dù vậy, dưới góc độ của những người xây dựng luật, ông Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho rằng để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới thì không chỉ dừng ở việc bình đẳng giới mà phải có chế độ, chính sách ưu tiên với nữ. Bởi lẽ, tư tưởng trọng nam khinh nữ, thích sinh con trai để có người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên đã ăn sâu vào người Việt. “Nếu suy nghĩ theo hướng đẻ con gái để nhận hỗ trợ là hạ thấp, coi rẻ người được nhận hỗ trợ và không thấy được ý nghĩa nhân văn của chính sách” - ông Trọng bày tỏ.

 

GS Nguyễn Đình Cử: Nên nới lỏng chính sách giảm sinh

Việc trao cho các cặp vợ chồng quyền được quyết định số con và các lần sinh là phù hợp với Hiến pháp và Công ước Cedaw mà Việt Nam đã ký kết. Theo công ước này, vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Vấn đề quan trọng là 10 năm qua, chúng ta cũng đã đạt được mức sinh thay thế.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy sau khi áp dụng chính sách 1 con, hàng chục năm sau đó, quốc gia này đã nới lỏng chính sách sinh 2 con đối với một số vùng miền nhưng khi tiến hành khảo sát, chỉ có hơn 10% các cặp vợ chồng muốn sinh con thứ hai. Điều đó chứng tỏ chính sách 1 con đã “ăn sâu” vào nếp nghĩ của người dân. Người ta thấy rằng chi phí cho một đứa trẻ vô cùng đắt đỏ và mô hình 1 con khiến các bậc làm cha, làm mẹ thấy nhẹ nhàng.

Tại Việt Nam, hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, mô hình 2 con trở nên phổ biến và người dân thấy rõ lợi ích. Dĩ nhiên, tôi cũng hiểu tâm lý của những nhà làm chính sách, đó là nếu cho phép mà dân số bùng nổ thì sao?. Nhưng thực tế từ các nước đã thực hiện chính sách dân số giảm sinh, tôi cho rằng đã đến lúc cần phải nới lỏng chính sách giảm sinh.

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam: Khó cấm lựa chọn giới tính  thai nhi

Theo dự thảo, các cặp vợ chồng, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Thời gian qua, việc siêu âm phát hiện và thông báo giới tính thai nhi bị cấm nhưng tỉ lệ các cặp vợ chồng biết trước giới tính thai nhi vẫn rất cao, rất phổ biến.

Thực tế tại các cơ sở y tế, nhất là phòng khám tư, người ta “né” quy định cấm lựa chọn  giới tính bằng cách ra ám hiệu hoặc nói trại đi, như: “thích nhé”, “giống bố rồi”… Trong những trường hợp này, không thể xử lý được vi phạm. Do đó, một khi đưa ra quy định cấm lựa chọn giới tính thì phải có biện pháp phù hợp.

K.Anh ghi

Theo Ngọc Dung

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm