Festival Huế 2008:
Trang nghiêm lễ tế Xã Tắc
(Dân trí) - 6 giờ sáng nay, 10/6, lễ tế Xã Tắc chính thức bắt đầu. Cờ Ngũ sắc được trang trí quanh Ngọ Môn và lầu Ngũ Phụng, quân lính đứng hai bên hồ Kim Thủy, quan văn võ quỳ trước cửa Ngọ Môn, chuẩn bị cho buổi lễ.
Lễ tế Xã Tắc là nghi lễ cúng thần Đất (Xã), thần Ngũ Cốc (Tắc) với mong ước mùa màng bội thu, nhân dân no ấm. Chính vì thế các triều đại phong kiến trước đây đều cho lập đàn Xã Tắc và thường xuyên cúng tế.
Đây là một trong những lễ tế lớn và có tầm quan trọng trong việc cai trị nước của nền quân chủ phong kiến. Nó vừa mang ý nghĩa tôn giáo vừa mang màu sắc chính trị. Việc cho lập đàn Xã Tắc và tế Xã Tắc ở kinh đô và các địa phương của các triều đại phong kiến là một hoạt động không thể thiếu về mặt tinh thần của toàn dân trước đây.
Triều nhà Nguyễn, đàn Xã Tắc ở kinh đô Huế được xây dựng vào tháng ba năm Gia Long thứ 5 (1806). Đàn được đắp bằng đất sạch của tất cả các địa phương trong nước góp về. Hiện nay, đàn Xã Tắc thuộc phường Thuận Hóa, TP Huế. Đàn quay mặt hướng Bắc, gồm hai tầng hình vuông chồng lên nhau. Mặt nền đàn Xã Tắc được quét năm màu tương ứng với ngũ hành: Hướng Đông màu xanh thuộc mộc, hướng Tây màu trắng thuộc kim, hướng Nam màu đỏ thuộc hỏa, hướng Bắc màu đen thuộc thủy và ở trung tâm là màu vàng thuộc thổ. Đàn Xã Tắc tại TP Huế còn tương đối nguyên vẹn hơn cả trong các di tích đàn Xã Tắc tại Việt Nam.
Dưới triều Nguyễn, lễ tế Xã Tắc thuộc hàng đại tự được đặc biệt coi trọng. Hàng năm, lễ tế Xã Tắc được thực hiện hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Trước khi tế một ngày, các con đường từ Đại Nội đến đàn Xã Tắc đều phải được quét dọn sạch sẽ, nhà vua chay tịnh một ngày tại Hoàng Cung. Vì thế từ sáng trước ngày tế một ngày, Thái thường tự đã dâng tượng đồng nhân lên để vua trai giới giữ mình. Từ hoàng thân cho đến văn võ bá quan, những người tham dự vào lễ tế Xã Tắc đều phải trai giới: Tắm gội thay quần áo, không uống rượu, không ăn thức ăn mặn, không đi thăm người ốm, không viếng đám ma, không xử án…
Dịp Festival Huế 2008, lễ tế Xã Tắc được phục dựng khá quy mô, hơn 400 người tham gia với những trang phục quân lính, quan lại với đầy đủ đạo cụ, phục trang, nghi trượng, cờ phướng. Lễ tế được thực hiện trang nghiêm với các nghi thức truyền thống.
Từ cửa Ngọ Môn, đoàn Ngự đạo sau khi nghe 3 hồi chuông trống, di chuyển đi dọc đường 23 - 8 vào đường Lê Huân, rẽ lên đường Trần Nguyên Hãn đến đàn Xã Tắc. Trên các tuyến đường đoàn Ngự giá đi qua đều có đặt các hương án. Tại tế đàn các nghi tiết được thực hiện một cách nghiêm trang: Lễ Quán tẩy - Lễ Thượng hương - Lễ Nghinh thần - Lễ Điện ngọc bạch - Lễ Truyền chúc - Lễ Hiến tước - Lễ Truyền chúc - Lễ Tứ phúc tộ - Lễ Triệt soạn - Lễ Tống thần - Tư chúc bạch soạn.
Kết thúc lễ tế Xã Tắc đám rước quay về Ngọ Môn. Khi đoàn ngự giá đến Đại Cung Môn, bắn ba phát súng, rước vua vào nội cung.
Lễ tế đàn Xã Tắc là một hoạt động có nhiều ý nghĩa, giúp du khách và người dân hiểu hơn vẻ đẹp truyền thống và những giá trị của một thời đã in sâu trong tâm thức của cha ông. Sau lễ tế chính thức, người dân và du khách có thể đến chiêm bái và dâng hương cầu cho mưa thuận gió hòa.
Lễ tế long trọng được tổ chức cầu cho mùa màng bội thu, muôn nhà no ấm.
“Tam sinh” gồm dê, bò và lợn là những con vật hiến.
Lãnh đạo tỉnh TT-Huế thắp hương lên bàn thờ.
Người dân sông quanh khu vực đàn Xã Tắc quan sát cuộc tế lễ bên ngoài hàng rào an ninh.
Một cô gái đóng vai quân lính chỉnh lại trang phục khi cuộc hành lễ bắt đầu.
Đi trước đoàn rước là lá cờ tinh tú.
Từng chi tiết nhỏ được tái dựng cho sát nhất với thực tế lịch sử lễ tế đàn Xã Tắc.
Toàn cảnh lễ tế Xã Tắc. (Ảnh: Hoài Lương)
Người dân thành kính lên dâng hương sau khi buổi hành lễ kết thúc.
Du khách nước ngoài cũng háo hứng tham dự.
Những người mẹ xứ Huế hiểu hơn ai hết ý nghĩa của hai từ Xã - Tắc.
Đám trẻ thơ theo những chú voi rước đi khắp đường phố.
Các phóng viên vất vả tác nghiệp để đưa hình ảnh, thông tin về lễ tế đặc biệt này. (Ảnh: Hoài Lương)
Bài: Hoài Lương
Ảnh: Lê Anh Tuấn