1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Trắng đêm săn tôm hùm giống

(Dân trí) – Nghề săn tôm hùm giống cho thu nhập cao nhưng không phải khi nào ngư dân cũng may mắn như vậy. Nhiều chuyến ra khơi ngư dân phải trở về tay trắng nên nghề săn tôm hùm còn có những may rủi.

Nghề săn tôm hùm giống là nghề đặc biệt, bởi chỉ khi biển động đó là lúc tôm hùm xuất hiện nhiều. Kinh nghiệm của những ngư dân làm nghề săn tôm hùm ở xã Nhơn Hải cho biết, tôm hùm thường sinh sản vào mùa đông khi biển động, sóng gió, đáy biển bị xáo trộn, khi ấy lòng biển tung ra nhiều loại thức ăn. Lúc đó, tôm hùm từ trong các bãi rạng theo con nước đi tìm thức ăn. Do đó, thường mùa đánh bắt chính khoảng vào tháng 10 âm lịch năm nay đến tháng Chạp năm sau.

Trắng đêm săn tôm hùm giống
Chiếc ghe 30CV của ngư dân Lê Công Chỉnh ngược sóng ra khơi chuẩn bị một đêm dài đi săn tôm hùm giống

Tuy nhiên, thời điểm này giá tôm hùm giống đang đạt đỉnh điểm giao động từ 250.000 – 300.000 đồng/ con. Vì vậy, mỗi ngày hàng trăm ghe thuyền của ngư dân xã bán đảo Nhơn Hải, (TP Quy Nhơn, Bình Định) vẫn bám biển săn tôm hùm giống.

Khoảng 16 giờ chiều, chúng tôi theo ghe của ngư dân Lê Công Chỉnh, chủ ghe BĐ 10665 TS ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định). Sau khi chuẩn bị ngư cụ, thức ăn dự trữ đủ cho 3 ngư dân và tôi cho những đêm dài lênh đênh giữa biển. Chiếc ghe 30 CV nổ máy hướng ra biển lớn, sau khoảng nửa giờ, ghe chúng tôi đã ra đến Mũi Chính, một bên là Hòn Khô, bên kia là Hòn Yên. Nghỉ giải lao chừng 20phút, ngư dân Lê Công Chỉnh nhìn con nước rồi cùng 2 ngư dân bắt đầu thả mành.

Với thâm niên làm nghề săn tum hùm, ngư dân Hà Văn Chiêm, chia sẻ: “Bây giờ trời đang trở gió bấc, con nước sẽ đi lên (đi ra theo hướng bắc), mình chọn thả mành đây đón theo hướng tôm di chuyển theo con nước thì may ra mới có tôm”.

Những mét lưới được thả xuống biển
Những mét lưới được thả xuống biển

Những mét lưới được thả xuống biển

Công đoạn thả mành cũng rất vất vả, chiếc mành trũ nặng cả hơn tạ, dài cả 60m, sâu đụng đáy biển, ba ngư dân nước da đen sạm, cơ thể săn chắc hì hục thả lưới vây quanh thuyền rất chuyên nghiệp. Sau khoảng 30 phút công việc thả lưới cũng đã hoàn thành. Mành thả xong cũng là khi trời vừa tối, cả một góc biển mênh mông sáng rực lên từ các ghe cùng đi săn tôm hùm, họ bật đèn sáng để dụ tôm hùm vào lưới.

Khi công việc thả mành đã hoàn tất, ngư dân Hà Văn Chiêm tiếp tục câu chuyện: “Tuy theo con nước mà thả lưới, bây giờ con nước đi lên theo gió bấc có nghĩa là đi từ trong ra, mình phải bủa mành thành hình tam giác, theo hướng đáy tam giác, nằm ở phía trong để đón lũ tôm, đỉnh tam giác, nằm phía ngoài để hứng tôm như 1 cái đãy. Để mành nằm giữ đúng vị trí tam giác phụ thuộc vào 3 giây neo (dây neo lui, dây neo tới và dây neo đãy). Khi rút mành lên, mình chỉ cần dùng tời kéo lần lượt 3 dây neo nói trên là xong”.

Theo những ngư dân, so với nghề đánh bắt hải sản trên biển khác thì nghề  đi mành tôm hùm cũng không phải là vất vả lắm. Thường 1 ghe chỉ cần 3 người, sau khi thả lưới xong thì có thể nghỉ ngơi. Thế nhưng, do nghề tôm hùm chỉ đánh bắt khi trời biển động, vì vậy luôn thường trực sự sống và cái chết như ngàn cân treo sợi tóc. Đó là chưa kể chuyến đi có đem về được chiến lợi phẩm hay không.

Căng mắt tìm tôm hùm
Căng mắt tìm tôm hùm

Khoảng 1 giờ sáng, bắt đầu kéo lưới lên, trời càng về khuya càng lạnh nên 3 ngư dân phải mặc áo mưa tiện dụng để tránh nước biển lạnh ngấm vào người. Chiếc mành lưới ngâm dưới nước cả nên lại càng nặng thêm, dù có 2 quay tiếp sức nhưng để đưa từng mét lưới lên boong ghe quả thật vất vả.

Sau gần 1 giờ đồng hồ, cả tấm mành nặng đã nằm gọn trên ghe. Công đoạn cuối cùng vô cùng quan trọng là săn tìm tôm hùm. Tấm lưới được kéo ra từng đoạn để tìm những con tôm nhỏ bé chỉ bằng que tăm lẫn trong đống lưới rối mù mà chỉ có ngư dân mới làm được. Ánh mắt ai nấy đều căng ra, chăm chú, tỉ mỉ rà từng cm lưới. Tôi thắc mắc hỏi làm sao mà nhận biết được con tôm nhỏ như vậy, ngư dân Chiêm cười nói: “Anh không trong nghề nhìn không phát hiện được, chứ tui tôi nhìn cái biết liền. Trong ánh sáng đèn giọt nước bám ở mắt lưới cũng sáng long lanh nhưng tôm hùm dễ phát hiện vì nó có 2 sợi dâu sáng đặc biệt nhìn biết liền”.

Sau một đêm dài thả lưới 3 ngư dân chỉ kiếm đúng được một con tum hùm nhỏ xíu bán không đủ tiền dầu
Sau một đêm dài thả lưới 3 ngư dân chỉ kiếm đúng được một con tum hùm nhỏ xíu bán không đủ tiền dầu

Ngư dân Hà Văn Chiêm chia sẻ thêm:“Có 3 loại tôm hùm giống: tôm sao, tôm xanh và tôm trắng. Tôm sao mới chính hiệu, hiện giá của nó là 300.000đ/con; tôm xanh chỉ có giá 60.000đ/con; còn tôm trắng có dính lưới cũng như không. Để phân biệt được 3 loại tôm này, người cảo tôm dựa vào đặc điểm của râu tôm: con tôm có 2 sợi râu đục, đầu râu cũng có 2 đầu chì nhưng hơi ngả màu đen, đó mới là tôm sao, cũng con tôm có 2 sợi râu trong suốt, đầu râu có đóng 2 đầu chì đó là tôm xanh và tôm trắng là dễ nhận biết nhất vì con tôm có 2 râu màu trắng”.

Cảo gần hết lưới mà chẳng thấy một con tôm nào, chỉ được vài con cá, mấy con mực lá. Khuôn mặt buồn hiện rõ lên mặt những ngư dân thì bỗng ngư dân Lê Công Chỉnh la lên vui mừng “may quá được một con tôm sao chính hiệu”.

Tôm hùm được nuôi trong thùng xốp chờ nhiều khách hàng tới mua

Tôm hùm được nuôi trong thùng xốp chờ nhiều khách hàng tới mua
Tôm hùm được nuôi trong thùng xốp chờ nhiều khách hàng tới mua

Với những ngư dân làm nghề đi mành tôm hùm mỗi khi phát hiện được con tôm dính lưới là niềm vui vỡ òa. Ngay lập tức con tôm được cho vào thùng xốp có chứa ít nước biển. Nhưng niềm vui chỉ được dừng lại ở đó, những mét lưới sau cũng chẳng tìm ra được một con tôm nào. Ngư dân Chỉnh tâm sự như an ủi 2 ngư dân đi bạn: “Nghề biển mà có lúc được lúc không. Cách đây 2 năm có đợt anh đi kiếm cả vài chục triệu nhưng 2 năm nay tôm hùm không thấy nên không có tôm cũng là chuyện bình thường”.

Ông Ngô Đức Tình, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn,Bình Định) cho biết: “Hiện tại xã có khoảng 334 ghe tàu làm nghề đánh bắt thủy sản. Trước đây, biển nhiều tôm cá nên tầm 16 giờ chiều dọc bờ biển chỉ còn người già trẻ, phụ nữ trẻ em ở nhà vì trai tráng đi biển hết. Vài năm trở lại đây, thêm nghề đánh bắt tôm hùm giống trúng đậm, nhiều ghe làm mành trũ 1 đêm kiếm cả vài chục triệu đồng mỗi chuyến là chuyện thường. Thế nhưng 2 năm nay, tôm hùm ngày càng ít nên nhiều ghe làm nghề mành trũ chuyên săn tôm hùm giống trong xã trở nên thất bát. Bây giờ, giá dầu lại tăng cái vút, họ lại càng khốn đốn”.

Cũng theo ông Tình, do biển cạn kiệt tôm cá nên ngư dân địa phương đã bỏ biển vào thành phố làm công nhân may, gỗ, làm thợ hồ… Hiện tại cả xã có cả gần 2.000 công nhân đi làm thuê ở trong thành phố nhờ vậy mà giải quyết được việc làm khi nghề biển giả thất bát.

Doãn Công