1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Dương:

Trắng đêm dâng lễ chùa Bà ngày rằm tháng Giêng

(Dân trí) - Hàng trăm nghìn người từ khắp nơi đổ về chùa Bà Thiên Hậu dâng lễ trong đêm 14 cho đến tận sáng ngày rằm tháng Giêng (24/2). Sân chùa, chánh điện, nơi phát lộc… đều chật kín người, khói nhang nghi ngút.

Lễ hội rằm tháng Giêng là lễ hội truyền thống của người Hoa tại thành phố Thủ Dầu Một. Đi lễ chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu đầu năm đã trở thành truyền thống, một nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh đặc sắc. Đó là ngày để con cháu tri ân hướng về cội nguồn, ông bà, tổ tiên của mình để gửi gắm những mong muốn và cầu một năm mới bình an, may mắn.

Sân chùa chật kín người hành hương, khói nhang nghi ngút
Sân chùa chật kín người hành hương, khói nhang nghi ngút

Theo quan niệm của nhiều người, đi lễ buổi sớm trong ngày rằm tháng Giêng sẽ gặp nhiều may mắn. Nhiều khách thập phương hành hương về chùa Bà vào thời điểm 12 giờ đêm tạo thành biển người đông đúc. Để đảm bảo trật tự nơi tôn nghiêm, thuận tiện việc dâng lễ, ban tổ chức đã bố trí lực lượng, hướng dẫn bà con lối ra vào một cách hợp lý theo quy định. Mỗi người chỉ thắp một nén nhang.

Trên tay cầm một nén nhang giơ cao, dòng người đông đúc chen chân vào chánh điện
Trên tay cầm một nén nhang giơ cao, dòng người đông đúc chen chân vào chánh điện

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, năm nào gia đình cũng đi lễ sớm ngày 15 tháng Giêng. Cầu may mắn đầu năm có nhiều nội dung nhưng quan trọng nhất là cầu sức khỏe, vì có sức khỏe thì mới làm được những việc khác.

Sau khi dâng lễ, mỗi người đều được thỉnh lộc về nhà. Nhiều người cho rằng thỉnh lộc cũng như là “vay” của Bà để về làm ăn. Trong năm mà làm ăn may mắn, tài lộc được khấm khá thì năm sau dâng lễ Bà gấp đôi.

Xếp hàng dài để chờ được phát bông và lộc
Xếp hàng dài để chờ được phát bông và lộc
Các bạn trẻ cũng tranh thủ đốt nhang vào lễ Bà.
Các bạn trẻ cũng tranh thủ đốt nhang vào lễ Bà.

Hòa chung với dòng người tấp nập đến dâng lễ chùa Bà, các dịch vụ đồ cúng không kém phần nhộn nhịp. Theo ghi nhận của PV Dân trí trên một số tuyến đường quanh chùa Bà như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Du, Yersin… và đặc biệt ngay vị trí trước cổng chùa Bà, hàng chục gian hàng bày bán nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu của khách thập phương.

Những lồng chim phóng sinh luôn sẵn sàng phục vụ khách hành hương
Những lồng chim phóng sinh luôn sẵn sàng phục vụ khách hành hương

Anh Châu văn Long, khách thập phương chia sẻ “ Năm nào tôi cũng dẫn gia đình đến dâng lễ Bà, nhưng tôi thấy năm nay các mặt hàng đồ cúng lễ không còn đắt đỏ, chặt chém như những năm trước”.

Những ngày lễ hội cũng kéo theo những dịch vụ ăn khác như vé số, đồ ăn nhanh, nước uống…
 

Giá gửi xe “cắt cổ” ở Lễ hội Chùa Bà

Theo ghi nhận của PV Dân trí, vào chiều 14 âm lịch (23/2) phí giữ xe tại các tuyến đường trung tâm gần chùa Bà như: Nguyễn Du, Phạm Ngũ Lão, Hùng Vương, Cách Mạng Tháng Tám chỉ giao động từ 5.000 -  10.000 đồng dành cho mô tô, 20.000đồng dành cho xe ôt tô. Nhưng vào thời điểm rạng sáng ngày 15 âm lịch giá gửi xe lập tức đội gia cao gấp 3 lần so với chiều ngày hôm trước.

Nhiều nơi  niêm yết bảng giá đúng như quy định, nhưng khi lấy xe ra thì mọi người  phải trả 10.000 – 20.000 đồng/chiếc. Nhiều người tỏ ra khó chịu, nhưng cũng có người cũng lặng lẽ chấp nhận.

Chị Kim Yến ở Huyện Trảng Bom, Đồng Nai “ mặc dù biết là giá mắc gấp 3, 4 lần so với bình thường, nhưng cũng phải chịu vì hầu như chỗ nào giá cũng cao mà chỗ gửi thì cũng giới hạn.”
Dù giá đội lên nhiều lần, các bãi giữ xe ở chùa Bà vẫn đông nghẹt xe.
Dù giá đội lên nhiều lần, các bãi giữ xe ở chùa Bà vẫn đông nghẹt xe.

Không dừng lại ở đó, nhiều nhà giữ xe cũng đánh một mức phí 5.000 cho việc giữ nón bảo hiểm khi người dân mang xe vào gửi. Nắm bắt được nhu cầu của khách hành hương, do diện tích sân bãi có hạn, một số điểm còn đưa ra mức giá theo buổi để duy trì được lượng xe ra vào thường xuyên hơn.

Bênh cạnh việc các điểm giữ xe máy, thì tại các bến bãi giữ ô tô tự phát cũng đua nhau “bóp cổ” khách thập phương.

Ghị nhận tại một bãi xe ô tô tự phát gần chùa Bà, bác Trần Hoàng chở khách từ Sài gòn xuống cho biết, “hôm 14 âm lịch chỉ mất phí là 20.000 nhưng hôm nay thì đã lên 50.000 đồng”.

Còn với anh Dương chạy xe 16 chỗ do có nhiều kinh nghiệm anh chia sẻ “ Khi vào bãi mình cứ nói là đã khảo giá nhiều nơi rồi, thì sẽ không bị “chặt chém” sáng 15 tôi mời đến nhưng chỉ mất phí 20.000 đồng.

Ông Hoàng Văn Thính, đội trưởng quản lý thị trường Bình Dương cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã cử gần 20 người tham gia công tác kiểm tra nhưng không thể kiểm soát hết. Khi có lực lượng quản lý đi kiểm tra thì các điểm gửi xe lấy đúng giá.

Theo ông Thính, năm nay UBND phường đã thống nhất niêm yết giá vé gửi xe phục vụ bà con tham gia lễ hội. Theo đó, xe gắn máy là 5.000 đồng/chiếc. Nếu nơi nào không có ghi giá vé theo yêu cầu của Ban chỉ đạo giữ gìn an ninh trật tự lễ hội Rằm tháng Giêng (phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một) thì sẽ bị đóng cửa.

Còn một vị trong Ban chỉ đạo lý giải, dù các nơi có tăng giá vé lên 10.000 đồng/chiếc đi chăng nữa thì mọi người cũng được thông báo trước khi gửi xe, nếu đồng ý thì gửi còn không thì có thể gửi chỗ khác.

Quốc Anh – Cát Minh