Đắk Lắk:
Trắng đêm… “canh” bon sai
(Dân trí) - “Tối đến phải căng bạt ra che rồi nằm giữ, có đêm phải thức trắng mà canh”, bà Hà quê ở Bến Tre bán hoa kiểng tại chợ hoa xuân Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tâm sự.
Anh kể, để có được hàng trăm chậu bon sai bày bán ngày Tết, từ nhiều tháng trước các thương lái như anh đã ráo riết lùng mua khắp nơi, kể cả việc ngược lên huyện miền núi ở Phú Yên, Khánh Hòa… hàng tháng trời để đào kiểng rừng. Mỗi chuyến như vậy, nhóm nào may mắn thì đào được vài gốc, nhưng cũng không ít lần cả nhóm phải trở về tay không.
Việc tìm được kiểng rừng, rồi kỳ công chăm sóc, tạo dáng… cho ra sản phẩm ưng ý đã khó, nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là “bài toán” không dễ. Cũng như năm ngoái, năm nay anh Phong lại chọn thị trường Buôn Ma Thuột cho các tác phẩm bon sai của mình.
Anh lý giải: “Ở quê tui, nói chung đồ bon sai khá nhiều, bán dưới đó cạnh tranh không nổi. Tìm lên các vùng như ở Tây Nguyên dù hơi tốn kém tiền chuyên chở nhưng thường dễ bán hơn”. Anh Phong cho biết gần 300 chậu bon sai phải chở lên Đắk Lắk bằng xe tải trong 2 chuyến, mỗi chuyến ngốn hơn 5 triệu đồng.
Chỉ vào mấy chậu bon sai đặt bên vệ đường, anh Phong chia sẻ: “Sức mua năm nay chưa rộ lắm, người ta chủ yếu là đi xem và thăm dò giá cả. Chắc phải 26 hoặc 27 Tết mới mua nhiều. Bán hoa kiểng ngày Tết cũng thất thường lắm, chuyến nào may mắn thì kiếm hơn chục triệu đồng ăn tết, chuyến nào không may thì chở về cả xe”.
Cũng bày bán hàng bon sai, mai chiếu thủy… như anh Phong, mấy hôm nay vợ chồng bà Nguyễn Thị Hà (45 tuổi) và ông Lê Minh Châu (47 tuổi) quê ở Chợ Lách, Bến Tre cũng lo bành bạch vì sợ bán không hết hàng do sức cạnh tranh của nhiều thương lái khác từ các tỉnh.
Bà Hà cho biết để vận chuyển được hơn 200 chậu mai chiếu thủy từ Bến Tre lên Đắk Lắk phải mất hơn 15 triệu đồng tiền xe, đó là chưa kể các chi phí phát sinh khác. “Mai chiếu thủy của tui, chậu đắt nhất chỉ chạm mức 2 triệu đồng, rẻ nhất thì năm bảy chục ngàn. Bốn năm qua, năm nào tui cũng lên đây bán, nhưng sao năm nay bán chậm quá trời”, bà Hà than thở.
Ban ngày bán đã ế, ban đêm vợ chồng bà Hà cũng phải “ăn bụi, nằm đường” với hàng trăm chậu mai chiếu thủy của mình. “Tối đến phải căng bạt ra che rồi nằm giữ, có đêm phải thức trắng mà canh”, bà Hà tâm sự.
Năm nay, anh Nguyễn Văn Quang (28 tuổi, quê Tuy Hòa, Phú Yên) cùng với 3 người khác hùn vốn chở 150 chậu mai gốc Bình Định lên bán tại Đắk Lắk. Anh Quang tâm sự: “Năm nay giá mai tại nhà vườn có tăng nhẹ so với năm ngoái. Lên đây tụi tui sợ nhất là trời lạnh về đêm. Số mai này mới ra nụ, nếu ban đêm trời lạnh kéo dài như thế này sợ không có bông nổi”.
Ở một điểm bán mai khác, anh Nguyễn Thành Minh (33 tuổi, cũng quê Phú Yên) cho biết, anh chở lên Đắk Lắk 240 chậu mai ở làng mai phường 9, thành phố Tuy Hòa, riêng tiền xe chở 2 chuyến đã mất hết 14 triệu đồng, nhưng chất lượng mai năm nay không đạt so với mọi năm.
Cũng như các thương lái chở mai từ các tỉnh phía trong lên Đắk Lắk bày bán, anh Minh cũng bày tỏ lo ngại với tình hình thời tiết tại cao nguyên đất đỏ. Do số lượng mai bày bán nhiều, ban đêm anh Minh cùng với những anh em khác lại thay nhau canh mai. “Buổi tối thì mình căng dây lại, thức đến 1 hoặc 2h sáng mới ngủ, nhưng chỉ ngủ mơ mơ thôi”, anh Minh nói.
Viết Hảo