1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng kiểm ngư

(Dân trí) - Kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư được trang bị các loại vũ khí quân dụng như súng ngắn, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Tàu kiểm ngư Việt Nam (Ảnh: Gia đình và xã hội)
Tàu kiểm ngư Việt Nam (Ảnh: Gia đình và xã hội)

Theo thông tư liên tịch số 01/2015 của Bộ Công an - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng kiểm ngư, bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (26/2), lực lượng kiểm ngư được trang bị 4 loại công cụ hỗ trợ gồm: Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; các loại lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, áo giáp các loại, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn.

Ngoài ra, các loại vũ khí quân dụng trang bị cho lực lượng kiểm ngư được quy định tại Điều 9 Nghị định số 76/2014 của Chính phủ. Theo đó, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu Kiểm ngư được trang bị các loại vũ khí quân dụng: Súng ngắn, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này. Tàu kiểm ngư được trang bị các loại vũ khí quân dụng như súng trung liên, súng đại liên, súng 14,5 mm và đạn dùng cho các loại súng này.

Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ gồm: Cục Kiểm ngư; Chi cục Kiểm ngư Vùng; Chi đội Kiểm ngư; Trạm Kiểm ngư và Tàu Kiểm ngư.

Khi thi hành công vụ, người được giao sử dụng vũ khí quân dụng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc nổ súng phải tuân thủ quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Điều 9 của Nghị định số 25/2012 của Chính phủ, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định hiện hành khác của pháp luật về sử dụng vũ khí quân dụng trong khi thi hành công vụ.

Thông tư liên tịch số 01 quy định, người được giao sử dụng vũ khí quân dụng phải có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe phù hợp với công việc được giao, được huấn luyện về chuyên môn, kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng vũ khí quân dụng và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí quân dụng; người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải được tập huấn về tính năng, tác dụng, kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ.

Việc giao, nhận vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải có sổ sách theo dõi, có đầy đủ chữ ký của người giao, người nhận.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật.

Mua sắm vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ

Theo thông tư này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng cho lực lượng Kiểm ngư trên toàn quốc. Đồng thời giao Tổng cục Thủy sản chỉ đạo Cục Kiểm ngư thực hiện viêc mua sắm, cấp phát, sửa chữa, quản lý vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, thiết bị chuyên dùng của lực lượng kiểm ngư theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu chung về công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hộ trợ; phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn, cấp giấy chứng nhận cho lực lượng sử dụng các loại thiết bị này.

Trong khi đó, Bộ Công an sẽ có trách nhiệm chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Tổng cục Thủy sản thực hiện đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm ngư.

Thế Kha