1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Trị:

Trăn trở ở khu tái định cư cho dân vạn đò

(Dân trí) - Vận động những cư dân vạn đò lên sinh sống tại vùng đất mới, chấm dứt cảnh lênh đênh trên sông nước là sự cố gắng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều trăn trở về cuộc sống, cũng như việc giải quyết công ăn việc làm cho bà con, điều kiện học tập đối với con em…

Đã hơn 5 năm đến định cư tại vùng đất mới, dù đã được địa phương tạo mọi điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhưng cuộc sống của hơn 20 hộ dân vạn đò ở khu phố 3, phường 4, TP Đông Hà, Quảng Trị, vẫn còn khá chông chênh. Gánh nặng cơm áo vẫn ngày ngày đeo bám, và đang khiến cho nhiều người dân tại đây rơi vào cảnh “bế tắc”, khó có thể bứt ra.

Được chuyển đến khu tái định cư, nhưng đời sống của nhiều hộ dân vẫn còn nhiều khó khăn
Được chuyển đến khu tái định cư, nhưng đời sống của nhiều hộ dân vẫn còn nhiều khó khăn

An cư nhưng chưa lạc nghiệp

Từ ngày gia đình anh Đào Hùng (SN 1970) chuyển đến sinh sống ở khóm tái định cư, cuộc sống của gia đình cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cái được lớn nhất theo anh là việc được chính quyền tạo điều kiện cấp đất, hỗ trợ kinh phí xây nhà để ở. Chính vì vậy, đã chấm dứt cảnh sống lênh đênh trên sông nước. Tuy nhiên, vợ chồng anh Hùng vẫn canh cánh nhiều mối lo.

Điều anh Hùng thấy phấn khởi khi chuyển lên bờ sinh sống là con của anh đã được đến trường học chữ
Điều anh Hùng thấy phấn khởi khi chuyển lên bờ sinh sống là con của anh đã được đến trường học chữ

Tiếp chúng tôi trong căn nhà đại đoàn kết được các đơn vị hảo tâm xây tặng, anh Hùng tâm sự: “Gia đình tui chuyển lên sống ở đây hơn 3 năm nay rồi. Hồi trước cả nhà sinh sống trên đò, cuộc sống khá vất vả, ngược xuôi nay đây mai đó mà không đủ cái ăn, cái mặc cho con cái. Từ ngày về đây sinh sống, có miếng đất cắm dùi, cuộc sống xem như được tạm yên ổn. Thế nhưng, về môi trường mới, đất đai chỉ đủ để dựng nhà, không có ruộng vườn canh tác nên tui vẫn phải bám nghiệp trên sông, còn vợ lúc thì phụ chồng, lúc thì lên rừng hái rau má. Hai vợ chồng quần quật mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn, không đủ trang trải cuộc sống”.

Vợ chồng anh Hùng có 3 người con, nhưng 2 đứa con đầu đã nghỉ học. Đứa con út vẫn còn nhỏ. “Ngày trước cha mẹ lênh đênh trên sông nước nên không có điều kiện cho con học hành. Bây giờ thì cũng bữa học, bữa nghỉ, không biết hai vợ chồng tui có nuôi nổi không nữa”.

Dù lên bờ sinh sống nhưng ông Sơn vẫn lấy nghề chài lưới làm cứu cánh mưu sinh
Dù lên bờ sinh sống nhưng ông Sơn vẫn lấy nghề chài lưới làm cứu cánh mưu sinh

Ông Đào Văn Sơn (53 tuổi, đã lên định cư 4 năm nay) cho biết: “Lúc trước còn khỏe, cá mú trên sông còn nhiều mà làm vẫn chưa đủ ăn. Bây giờ tôm cá cũng ít dần nên thu nhập không ổn định, may lắm thì mỗi ngày cũng chỉ kiếm được dăm bảy chục ngàn, cũng tạm để sống qua ngày”.

Vợ ông Sơn là bà Nguyễn Thị Hồng thì thường ngày lên rừng hái rau má để bán kiếm cái ăn cho cả gia đình. Do không được học hành chu đáo, lại lớn tuổi nên người con lớn của ông Sơn vẫn theo nghiệp chài lưới để mưu sinh. “So với trước đây thì đời sống có khá hơn, nhưng do không có phương tiện làm ăn, đất đai chật hẹp nên phần nhiều bà con ở đây vẫn chưa được an tâm. Nhưng dù cuộc sống có vất vả, khó khăn đến đâu vợ chồng tui cũng tự bảo ban nhau, còn sức thì vẫn lao động. Chỉ mong sao cuộc sống của các con sau này được ổn định hơn thôi” – ông Sơn bày tỏ.

Khi chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư, vợ chồng Đàm Minh Thịnh (SN 1992) mở thêm quầy tạp hóa nhỏ với hy vọng kiếm thêm nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình. Vợ chồng Thịnh hiện có 2 cháu nhỏ, cháu lớn 4 tuổi, còn cháu Nhỏ 2 tuổi. 

Thịnh cho biết: “Những năm gần đây, nguồn tài nguyên trên sông nước cạn kiệt dần, làm suốt đêm nhưng không được bao nhiêu nên em và vợ bàn nhau mua ít hàng về nhà bán cho những người xung quanh. Không có đất để canh tác, mình không làm thêm nghề trái thì không đủ miếng cơm cho cả nhà anh à”.

Cần tạo việc làm cho người dân

Để giúp những người dân vạn đò có cuộc sống thực sự ổn định tại vùng đất mới, điều cần thiết nhất là việc giải quyết công ăn, việc làm cho họ. Vấn đề này không phải nảy sinh sau khi người dân đã chuyển đến khu tái định cư, mà phải có kế hoạch từ trước đó. Thực tế trên đã từng diễn ra tại nhiều địa phương cho thấy, người dân khi chuyển đến khu tái định cư, nhường chỗ xây dựng nhà máy thủy điện, các công trình phúc lợi, xã hội…do không có việc làm ổn định nên đời sống khá bấp bênh. Thậm chí, một số hộ đã quay trở lại môi trường cũ, do sinh sống ở khu tái định cư, họ không có phương tiện sản xuất, không có đất đai để canh tác, đời sống không thay đổi được bao nhiêu.

Dù lên bờ sinh sống nhưng ông Sơn vẫn lấy nghề chài lưới làm cứu cánh mưu sinh
Tương lai của những đứa trẻ vạn đò rồi đây cũng sẽ bước sang trang mới khi cha mẹ của chúng không còn lênh đênh trên sông nước

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường 4 cho biết: “Năm 2009, phường đã vận động hơn 20 hộ dân hoạt động sông nước lên khu vực này định cư. Từ khi bà con chuyển lên sinh sống tại đây, xác định việc quan trọng nhất là tạo mọi điều kiện để các em trong độ tuổi đi học được đến trường, không có em nào nghỉ học giữa chừng, UBND phường đã tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình cho con cái đi học. Nhờ vậy, đã 5 năm nay tất cả các cháu nhỏ đều được đến trường.

Ông Hùng cũng thừa nhận rằng ở khu tái định cư do quỹ đất hạn chế nên chỉ đủ để bố trí xây dựng nhà cho bà con, còn thiếu đất đai để sản xuất. “Dù đã lên bờ định cư, chấm dứt cảnh sống lênh đênh, nhưng người dân vẫn quen nghề sông nước, xem đó là “cứu cánh” để đảm bảo cuộc sống. Nay nguồn lợi thủy sản đã cạn kiệt, một bộ phận người dân đã chủ động phát triển đa ngành nghề để tự ổn định cuộc sống cho gia đình. Tuy nhiên, đa phần dân cư sinh sống tại đây là hộ nghèo nên cuộc sống trước mắt cũng gặp không ít trở ngại”– ông Hùng nói.

Để đảm bảo cho người dân có cuộc sống ổn định, UBND phường cũng tạo điều kiện cho vay vốn, tư vấn về công việc để bà con phát triển kinh tế, đối với các em đã qua độ tuổi đi học thì lãnh đạo UBND phường liên hệ với các tổ chức, doanh nghiệp trong ngoài địa bàn để cho các em học nghề từ đó tạo công ăn việc làm cho các em. 

Chiếc đò, phương tiện mưu sinh của đa phần người dân tại khu tái định cư
Chiếc đò, phương tiện mưu sinh của đa phần người dân tại khu tái định cư

Tuy nhiên, những điều ông Hùng thông tin mới chỉ giải quyết được một phần vấn đề, bởi những đối tượng được nhận vào làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy…cũng chỉ là bộ phận nhỏ. Còn đa số người dân do không có đất đai, điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất nên vẫn quen sống kiếp “thợ đụng”, tức gặp gì làm đó, miễn là kiếm thêm được chút thu nhập để trang trải qua ngày. Nguồn thu nhập ấy cũng không mấy ổn định, vì vậy họ vẫn chưa thoát được kiếp nghèo đang đeo bám suốt nhiều năm qua.

Đăng Đức