1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Trăn trở “mở” hay “đóng” hôn nhân đồng giới

(Dân trí) - Theo nghiên cứu, Việt Nam có khoảng 1,65 triệu người đồng tính và song tính trong độ tuổi từ 15 - 59. Các chuyên gia xã hội học và cả đại biểu Quốc hội đều cho rằng đã đến lúc vấn đề hôn nhân đồng giới cần được nhìn nhận ở nước ta.

Thạc sĩ Lê Quang Bình (Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE) đưa ra thông tin, dựa theo lỷ lệ nghiên cứu của các nhà khoa học, Việt Nam có khoảng 1,65 triệu người đồng tính và song tính, trong độ tuổi từ 15 - 59.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 10 đám cưới của người đồng tính “được” báo chí phát hiện và phản ánh. Trên thực tế, số người đồng tính tổ chức cưới hoặc những buổi tiệc nhỏ để ra mắt người thân và bạn bè rất nhiều. Ngày càng nhiều người đồng tính muốn lộ diện, tiết lộ cho mọi người xu hướng tình dục của mình. Họ công khai để được sống là chính mình.

Tại buổi tọa đàm “Lây truyền HIV qua đường tình dục - góc nhìn đa chiều”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, TS. Khuất Thu Hồng khẳng định, đến nay với người đồng tính, vượt qua mọi trở ngại từ gia đình, xã hội để đến được với nhau là một kỳ tích. Chuyện một người đồng tính nữ sau khi bộc lộ mong muốn và thân phận của mình đã bị đưa vào... cơ sở tâm thần để chữa bệnh không phải là chuyện hiếm gặp. Một thực tế là nhiều bậc cha mẹ khi biết con mình đồng tính vẫn hối thúc con cái lập gia đình như là một biện pháp để “chữa trị”. Đối với gia đình có con trai đồng tính, họ thường nghĩ tới phương án ép con cưới vợ với mong muốn có thể giúp con quên đi khuynh hướng tình dục đồng giới của mình.

Trong khi đó, theo các nhà khoa  học, việc những người đồng tính được đưa đi chữa bằng những liệu pháp hormone, nội tiết có thể gây ra tác hại vô cùng nguy hiểm. Phương án điều trị trong trại tâm thần cũng không giải quyết được vấn đề. Người đồng tính rất khó quên đi khuynh hướng tình dục đồng giới của mình; việc ép kết hôn sẽ mang lại bất hạnh cho họ. “Chúng tôi gặp rất nhiều bi kịch như vậy, bản thân người trong cuộc không hạnh phúc, và người phụ nữ bị buộc kết hôn với người đàn ông đồng tính chắc chắn rất đau khổ”- TS. Hồng khẳng định.

Một cặp đồng tính nữ dũng cảm công khai tình cảm của mình (Ảnh nhân vật cung cấp).
Một cặp đồng tính nữ dũng cảm công khai tình cảm của mình (Ảnh nhân vật cung cấp).

Trên thực tế, có không ít người đồng tình đã dũng cảm lộ diên, tìm được hạnh phúc khi được sống đúng với con người thật của mình, không phải mang lớp vỏ bọc giả tạo. Nhưng đời sống tình cảm của họ cũng luôn song hành với nước mắt và trăn trở.

Trưởng nhóm “Ước mơ tuổi trẻ” Nguyễn Trường Vũ tham gia cuộc tọa đàm đưa ra mong muốn, xã hội nên thừa nhận người đồng tính là một thành phần trong xã hội. “Liên Hợp Quốc đã công nhận người đồng tính và quan hệ tình dục đồng giới là một điều hoàn toàn tự nhiên, không phải là một bệnh tâm thần. Ở những nước phát triển họ cũng đã công nhận điều đó. Vì vậy, các cơ sở y tế Việt Nam nên đưa ra văn bản công nhận người đồng tính như là một thành phần tự nhiên của xã hội. Vấn đề hôn nhân đồng tính cũng cần mổ xẻ để tạo cơ hội cho người đồng tính có thể đến được với nhau, có thể họ không có chứng nhận kết hôn nhưng chúng ta có thể ban hành một văn bản thừa nhận sự kết hợp dân sự giữa những người đồng tính, được pháp luật thừa nhận mối quan hệ đó” - Nguyễn Trường Vũ đưa ra ý kiến.

Nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn của một  đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích: Có những vấn đề phức tạp hơn cần đặt ra như: có còn gọi là gia đình khi 2 người đồng tính lấy nhau và không sinh con đẻ cái? “Tôi cũng vừa có được một văn bản nhân việc Tổng thống Hoa Kỳ sắp thông qua luật đồng tính, có đặt ra vấn đề có nên gọi hôn nhân đồng tính không hay chỉ là cộng sinh đồng tính, sống chung với nhau. Nếu là hôn nhân thì bị chi phối bởi luật hôn nhân, có những vấn đề khác biệt đối với người đồng tính và mang lại thiệt thòi cho họ. Tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu kỹ nhưng định hướng thì không thay đổi, cần mang lại quyền cho họ” - ông Dương Trung Quốc chia sẻ.

Mới đây, Bộ Tư pháp vừa gửi Công văn số 3460/BTP-PLDSDT ngày 07/5/2012 lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan về việc đánh giá các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 qua thực tiễn đã thi hành, trong đó đề cập đến việc mở rộng đường cho hôn nhân đồng tính. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng khẳng định sẽ bỏ phiếu thuận nếu hôn nhân đồng tính được thừa nhận trong thời gian sắp tới. Như vậy, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công nhận hôn nhân đồng tính.

“Với tư cách công dân, tôi hoàn toàn ủng hộ. Ở đây tôi chỉ xin lưu ý một điều là chúng ta đừng vì mục tiêu là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công nhận hôn nhân đồng tính, mà điều quan trọng là việc thực hiện điều đó”- Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng - bác sĩ Thu Giang - đóng góp ý kiến.

Thạc sĩ Lê Quang Bình cũng đưa ra lời ủng hộ hôn nhân đồng giới. Theo ông Bình, việc công nhận này sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe, công việc, cuộc sống của người đồng tính, làm thay đổi những định kiến từ gia đình, xã hội.

 Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm