1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Trăn trở của dũng sỹ 37 lần bắn rơi máy bay Mỹ

(Dân trí) - Hồi tưởng về những năm tháng chiến tranh, chiến tích bắn máy bay năm xưa lại hiện về một cách sống động trong tâm trí ông. Những tấm huân chương "Dũng sĩ diệt máy bay" mà ông nhận được là một phần máu thịt đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp được gặp ông và được nghe kể về những chiến tích của một thời oanh liệt xưa kia. Ông đã từng bắn rơi 37 máy bay Mỹ. Ấy vậy mà suốt hơn 40 năm qua, dũng sĩ "siêu bắn máy bay" ấy vẫn sống một cuộc đời giản dị bên gia đình, vợ con và cũng chưa mấy ai biết nhiều về ông.

Người chúng tôi muốn nhắc đến là ông Lê Xuân Tưởng, ở thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Sinh ra ở vùng đất nghèo huyện Lệ Thủy, khi đất nước đang ở trong thời kỳ gian khổ của chiến tranh đã tạo cho ông dũng khí và quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược để bảo vệ quê hương. Lớn lên, ông Tưởng tham gia vào trung đội dân quân tự vệ địa phương và đã lập chiến công bắn rơi hai chiếc máy bay F4H đang bắn phá quê hương với khẩu 12 ly 7 ở dọc sông Kiến Giang.

Ngày 10-1-1969, Lê Xuân Tưởng lên đường nhập ngũ, vào chiến trường Thừa Thiên - Huế. Sau đó, ông Tưởng được biên chế vào Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324. Khẩu 12 ly 7 lại tiếp tục tục theo ông trong những tháng ngày huấn luyện và giúp ông Tưởng liên tiếp lập nhiều chiến công vang dội.

Ở lứa tuổi đôi mươi, ông Tưởng đã là dũng sĩ trên chiến trận và đã hạ gục nhiều máy bay Mỹ khiến cho quân thù phải khiếp sợ. Nhiều bài báo đã tôn vinh ông, “Tay súng kiên cường trên điểm cao 1078”. Những tấm huy chương “Dũng sĩ bắn máy bay” mà ông có được là một phần xương máu đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhấp chén nước chè đậm phong vị quê, ông Tưởng nhớ lại những ngày tháng gian khổ, hào hùng: “Năm 1970, tôi cùng đồng đội được phân công nhiệm vụ bám cao điểm 1078, đón lõng từng tốp máy bay đi qua. Tôi được giao giữ vị trí xạ thủ. Khi tốp 3 chiếc máy bay địch đầu tiên bay tới trận địa, chờ chiếc máy bay đi đầu vào khoảng bắn tốt mới nhận lệnh bắn, lúc đó tôi kéo cò. Loạt đạn đầu trúng ngay đuôi chiếc đi đầu, làm nó bốc cháy và rơi ngay tại chỗ. Loạt đạn tiếp theo tiện đứt chiếc thứ hai. Tôi tiếp tục kéo súng sang trái và nhắm vào chiếc máy bay còn lại. Sau một loạt đạn từ “con rồng nhỏ” 12 ly 7, chiếc máy bay thứ 3 đã bị hạ gục…”

Ông Tưởng kể tiếp: "Trận đánh mùa xuân năm 1972 ở cao điểm Z là một kỷ niệm khó quên đối với tôi. Đang ở trong thế giằng nhau từng tấc đất, tôi và một số anh em trong đơn vị quyết tâm bám đất đánh lùi kẻ thù. Xung quanh, bom đạn cứ bắn xối xả nhưng không vì thế mà anh em tôi nhụt chí. Trong thế cần cơ động gấp khẩu súng qua trận địa khác, nòng 12 ly 7 do xả đạn nhiều nên nóng ran, tôi phải lấy nước thấm ướt khăn lau mặt, phủ lên khẩu súng còn đỏ rực rồi ôm chạy. Không ngờ, sức nóng của khẩu súng làm nước ở khăn sôi lên, da tay tôi bị bỏng, mặt đen nhẻm đầy thuốc súng. Nhưng sau đó tôi cũng đưa được súng vào trận địa mới, vẫn yên vị vào chốt, và bắn rơi được máy bay địch...

Cứ thế, ông Tưởng theo mâm súng 12 ly 7 đi hết trận địa này đến trận địa khác, qua cả mặt trận Lào, khi ở điểm cao Z, khi có mặt ở các trận địa bí mật, ông đã cùng anh em chiến đấu kiên cường, bất khuất làm kẻ thù phải khiếp đảm.

Chính nhờ những chiến tích bắn máy bay ấy mà mọi người trong đơn vị đã đặt cho ông biệt danh hết sức thân thương, đúng với nhiệm vụ của ông “Tưởng Cò”, “Tưởng bắn máy bay” hay “Tưởng 1078”...

Được xem những tấm huân, huy chương và bằng khen của ông Tưởng, chúng tôi mới biết hết về những chiến công rực rỡ của người anh hùng diệt máy bay. Suốt cuộc đời binh nghiệp, ông Tưởng đã bắn rơi 37 máy bay các loại với khẩu 12 ly 7. Nhờ lập được chiến công, ông Tưởng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được tặng thưởng 5 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và ba, nhiều giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt máy bay… Đáng tiếc rằng, những tấm huân, huy chương mà ông có được từ những năm tháng chiến đấu ác liệt, thậm chí là một phần máu thịt vẫn chưa đủ để xã hội nhớ và tôn vinh ông. Bởi suốt chừng ấy năm, người "anh hùng" đó vẫn sống cuộc sống thầm lặng và hết sức giản dị bên vợ con, gia đình thân yêu của mình.

Những tấm huân chương ông Tưởng được Đảng, Nhà nước trao tặng vẫn được ông giữ gìn cẩn thận 
Những tấm huân chương ông Tưởng được Đảng, Nhà nước trao tặng vẫn được ông giữ gìn cẩn thận 

Ông Lê Đình Chụt, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh thôn Xuân Hồi, cho biết: "Anh Tưởng là người sống giản dị, nhiệt tình được nhiều bà con trong xã yêu mến. Rời quân ngũ, ông trở về quê lao động và sinh sống bên vợ con. Các con ông cũng đã lớn và thành đạt, luôn xem ba mình là thần tượng để noi gương và học tập. Những thành tích bắn máy bay xưa kia dù vẫn chưa được nhà nước công nhận là anh hùng nhưng ông đã xứng đáng là vị anh hùng của quê hương rồi. Những năm tháng khó khăn gian khổ, ác liệt của chiến tranh, nhờ những người như anh Tưởng, quê hương này mới được bình yên. Bên cạnh đó đã khơi dậy được lòng yêu nước trong tiềm thức của thế hệ trẻ sau này."

Bà Nguyễn Thị Thoàn, vợ ông, người đã sát cánh, sẻ chia cùng ông Tưởng cả cuộc đời luôn tự hào về những gì chồng mình đã góp sức cùng đất nước. Bà Thoàn chia sẻ: “Hết chiến tranh, ông ấy về công tác tại Quân đoàn 2. Đến năm 1991, ông về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá và sống vui bên ruộng vườn cho đến ngày nay. Hai vợ chồng tôi có 4 người con, tất cả đều đã lớn và có gia đình, nhưng với tôi và các con, ông luôn là một anh hùng đích thực”.

Người viết được gia đình cho hay, ông Tưởng đang mang bệnh nặng và phải nhập viện điều trị liên tục trong thời gian dài. Thế nhưng, trò chuyện cùng chúng tôi, ông vẫn giữ khẩu khí của một người lính đầy kinh nghiệm và rất mẫu mực. Ông cười đùa với tôi rằng: "Những năm tháng chiến tranh ác liệt đến vậy nhưng mình vẫn không sợ, thì bệnh tật hiện nay có nghĩa lý gì". Tôi biết ông đang cố dấu đi sự đau đớn về thể xác để vợ con ông được vui và bớt lo âu.

Trong buổi gặp mặt truyền thống tại Hà Nội, đơn vị cũ của ông Tưởng đã nhất trí xác nhận vào đơn đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông. Đã đến lúc xã hội, quê hương ghi nhận về một người anh hùng bấy lâu nay sống lặng lẽ giữa đời như một thanh âm chưa mấy ai biết đến.

Tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu đi nhiều nhưng ông và gia đình vẫn mang một nỗi niềm trăn trở. Ông xứng đáng được nhà nước công nhận danh hiệu anh hùng, nhưng đáng tiếc là đến nay nguyện vọng đó vẫn chưa được hoàn thành.

Đăng Đức - Đặng Tài