Trần tình của cô giáo nhốt bé 4 tuổi vào thang máy
Những tiếng nấc nghẹn ngào vang lên trong suốt buổi nói chuyện, cô giáo Trần Thị Xuân Nữ cho biết: “Những ngày qua cuộc sống đối với tôi là địa ngục”.
Bé Vinh với nhiều thương tích trên cơ thể
Những ngày vừa qua, dư luận hầu hết đều bày tỏ sự bức xúc trước việc chị nhốt bé Lê Quang Vinh vào thang máy dẫn đến tai nạn thương tâm. Cuộc sống của chị diễn biến ra sao?
Thưa anh… (Im lặng một lúc…). Tôi chỉ có một suy nghĩ là chạy trốn. Thực sự là trong đầu tôi chỉ biết rằng mình khó có cơ hội nào để làm cô giáo nữa. Tôi đã dạy học 10 năm nay, hôm xảy ra sự việc với bé, tôi chỉ kịp hét lên “Trời ơi, con sao vậy Vinh!”.
Thấy bé tím tái, máu chảy ra mà vẫn nhìn tôi và nói: “Cô Nữ ơi, cứu con, con đau quá”. Tôi khóc và hoảng loạn vì biết mình vừa gây ra một sai lầm khủng khiếp…
Trước đó, chị cố tình “dọa” bé Vinh bằng cách bỏ bé vào thang máy, như vậy là chị đã “dọa” thành công chứ? Cháu bé đã trải qua gần chục lần cắt mổ da đầu, gãy 1/3 xương đòn, chưa kể khắp người xây xát. Mẹ cháu bé kể “có lúc bé bỗng dưng khóc lóc thảm thiết như hoảng sợ điều gì đó”...?
Cô Nữ năm nay 29 tuổi, chưa lập gia đình, lên TPHCM đi làm, ở trọ. Cô làm giáo viên ở nhóm trẻ này từ ngày cơ sở mới thành lập. Cô Nữ có trình độ trung cấp sư phạm mầm non, hiện học liên thông lên đại học.
Bà Chung Bích Phượng - Phó Phòng Giáo dục, tổ trưởng tổ mầm non quận Tân Phú, TPHCM - cho hay, theo ý kiến của một số phụ huynh, từ trước tới giờ, cô Nữ chưa làm gì sai, lại được tín nhiệm trong nhóm trẻ.
Trong lúc bé Vinh được cấp cứu ở bệnh viện, tinh thần cô Nữ cũng bị kích động mạnh bởi chính hành động “phản sư phạm” của mình. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên hiện mọi tiền lo viện phí, thuốc men hỗ trợ gia đình bé Vinh đều do nhóm nhà trẻ giúp đỡ. |
Anh cho tôi xin phép bày tỏ suy nghĩ thế này. Tôi không rõ từ đâu anh có số điện thoại này vì số điện thoại cũ tôi đã không còn dùng, tôi đã phải mua một sim khuyến mãi vì sợ người xung quanh biết chuyện gọi điện chửi rủa, tôi sợ tôi quẫn trí.
Thú thật tôi biết tội mình chứ, tôi chăm sóc bé Vinh mỗi ngày như kiểu chính con trai mình. Sau khi xảy ra sự việc, tôi chỉ biết ở nhà. Sự việc như vậy làm sao tôi không xấu hổ và dày vò cho được.
Cuộc sống với tôi như địa ngục. Anh có hiểu cảm giác của một cô giáo 10 năm gắn bó với các em bé, chỉ vì phút sai lầm nhất thời mà… Tôi dành dụm được bao nhiêu tiền trong suốt 10 năm nay để lo lắng cho 5 đứa em ruột từ quê lên đây ăn học, chính tôi cũng đang học liên thông lên đại học sư phạm. Tôi đã bỏ học từ ngày sự việc xảy ra với bé Vinh cho đến hôm nay, vì tôi thực sự bị sốc.
Những ngày qua chị có đến thăm bé Vinh?
Trong mắt người nhà bé Vinh, tôi đã trở thành một điều gì đó khủng khiếp lắm. Ngày bé vào bệnh viện, tôi gọi điện cho các em ở nhà tự lo cơm nước vì thường ngày tôi vẫn nấu để chạy vào thăm bé. Tôi biết mẹ bé giận tôi lắm nên tôi nhắn tin cho mẹ bé xin phép được vào thăm. Các cô giáo trong trường cũng đến và bảo rằng phía gia đình bé không muốn cô Nữ vào, tôi cố gắng gọi điện cho mẹ bé nhưng chị không nghe máy.
Trời ơi, tôi như con người bỏ đi. Mới hôm qua đến đón bé, mẹ bé còn ân cần hỏi thăm “cô giáo hôm nay có mệt không?”… Vậy mà giờ đến việc gặp đứa bé mỗi ngày mình chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ tôi cũng không thể làm được.
Chị đến gia đình bé Vinh một mình hay đi cùng các cô giáo trong trường?
Lúc đầu tôi cứ nghĩ rằng gia đình bé sẽ thông cảm vì hiểu rằng tôi không cố tình gây ra sự việc đó. Nhưng 3 ngày sau khi sự việc xảy ra, tôi tự cảm thấy những điều gì đó khủng khiếp lắm mà mình không giải quyết được.
Tôi dằn lòng gọi điện cầu xin ba tôi lúc này đang ở Đồng Tháp lên TPHCM để giúp tôi. Lúc tôi gọi điện cho ba, tôi còn dặn đừng kể cho má tôi nghe vì má bị cao huyết áp. Đến ngày gặp ba, tôi mới biết má cũng đi theo. Tôi năn nỉ mãi má mới chịu ở nhà để tôi và ba sang nhà bé Vinh xin lỗi.
2 lần gặp đấy chị có đạt được ý nguyện không?
Cho đến lúc trao đổi với anh về chuyện này, tôi còn nơm nớp lo sợ không biết công an họ bắt tôi ngày nào, vì gia đình bé Vinh làm đơn tố cáo rồi. Họ làm đơn sau khi tôi đến mà anh. Ba tôi lúc quay trở về dưới quê còn dặn dò “con có bị sao, con để ba chịu hết cho được không?”. Tôi trả lời ba: “Chuyện đã như vậy, con làm con chịu, ba đừng lo nghĩ quá, còn chăm sóc cho má nữa”.
Đêm về, tôi như người mất hồn, tôi nhớ trường lớp. Nhưng hình dung về cảnh các bé cười, các bé khóc nhè, các bé đòi ăn… nước mắt tôi lại trào ra…
Các thông tin liên quan đến vụ việc do chị gây ra có gây ảnh hưởng cho cuộc sống của chị nhiều không?
Thú thật là từ lúc ba má tôi về dưới quê, các em ở nhà, các bạn học chung đại học ai cũng ngăn cản không cho tôi cầm bất kỳ tờ báo nào, nhà tôi cũng không có mạng internet. Hôm phát hiện bé Vinh bị nạn trong thang máy chuyển thức ăn, tôi còn nhớ bé mặc cái áo màu đỏ, cái quần dài màu trắng, mặt bé tím tái, máu chảy ra bết cả tóc.
Chị có nghe đến tên Quản Thị Kim Hoa lần nào chưa?
Anh hỏi thì tôi cũng nói thật, hậu quả do tôi gây ra mà bé Vinh gánh chịu có vẻ như còn nặng hơn cả các bé mà bà bảo mẫu đó gây ra. Nhưng thực sự hoàn cảnh lúc đó khác anh ạ. Tôi có ngờ đâu một phần bức tường phía trong thang máy gồ ghề như vậy. Dỗ mãi mà bé Vinh không ăn, tôi bỏ bé vào thang máy, nhấn nút cho đi xuống và cũng chạy ngay xuống tầng trệt để đón cháu. Nào ngờ...
Cám ơn chị về cuộc trao đổi!
Theo Vietnamnet