1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”:

Trận địa tên lửa giữa lòng Thủ đô

(Dân trí) - Giữa màn đêm, từng cột lửa rực sáng. Tiếng súng phòng không gằn liên hồi. Từng tràng, từng tràng đạn vụt bay, trút lên bầu trời đầy căm hờn. Mùi khói, thuốc súng đặc quánh. Trên bầu trời, từng đàn Thần Sấm, Con Ma chao liệng liên hồi, xé toang màn đêm.

Mặt đất rung chuyển dữ dội sau mỗi loạt bom rơi. Từng quầng lửa va đập giữa không trung, vạch những đường đứt đoạn. Thỉnh thoảng, động cơ từng chiếc F4 gầm lên dữ dội, kéo theo cột khói dưới thân máy bay bổ nhào, mất hút trong màn đêm sâu thẳm.
 
Trận địa tên lửa giữa lòng Thủ đô


Đó là những ngày tháng rực lửa của 40 năm trước, khi cả Thủ đô là một pháo đài chống máy bay. Một trong những trận địa phòng không dữ dội nhất, ác liệt nhất và cũng làm đám phi công Mỹ hãi hùng nhất trong những ngày tháng lịch sử năm 1972 ấy chính là trận địa tên lửa Chèm, thuộc xã Thụy Phương (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Đây cũng là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 77 anh hùng ( Trung đoàn tên lửa 257, Sư đoàn 361). Năm 1995, địa danh này đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia và đi vào lịch sử như biểu tượng khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam với đỉnh cao chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không.


Ngay cổng doanh trại Tiểu đoàn 77, khuôn viên của trận địa năm xưa vẫn còn nguyên vẹn với hàng văn bia lịch sử và điểm nhấn là hình ảnh quả tên lửa vút bay vào mây xanh, mang theo ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân miền Bắc. Đi sâu vào khuôn viên doanh trại, ngoài những ngôi nhà cấp 4 khang trang, sạch đẹp, vườn rau, vườn cây thuốc nam quý của các chiến sỹ là thao trường, bãi tập, phương tiện huấn luyện được lau chùi cẩn thận, nhẵn không hạt bụi.

Nhớ lại 12 ngày đêm mờ khói bom, quánh mùi thuốc súng của trận địa trong cuộc chiến đấu không cân sức với siêu pháo đài bay trên bầu trời Hà Nội năm 1972, Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 hồ hởi: Từ đầu năm 1971, Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ, trọng trách là chuẩn bị mọi mặt và luyện tập để đánh B.52, cũng như bảo vệ các mục tiêu quan trọng khác của Thủ đô Hà Nội. Ngay khi nhận nhiệm vụ, Tiểu đoàn đã quán triệt toàn thể chiến sỹ hạ quyết tâm, đồng thời phát động phong trào học tập, nghiên cứu phương pháp hạ siêu pháo đài bay với dàn hỏa lực hộ vệ. Phương châm được nhất quán từ trên xuống dưới, đến từng chiến sỹ là “biết địch, biết ta thì trăm trận trăm thắng”.

 

Nuôi ý chí, dệt quyết tâm, từng vị trí trong kíp phòng không, từng chiến sỹ ai cũng tự đặt cho mình quyết tâm học tập, nắm bắt và nắm vững tính năng, kỹ chiến thuật từng loại máy bay, vũ khí của kẻ địch. Không khí học tập, nghiên cứu, tìm chiến thuật sôi nổi lan rộng. Cả trận địa như một lớp học cấp tốc, đâu đâu cũng thấy những câu chuyện, những cuộc phân tích tập thể về từng điểm mạnh, yếu của từng loại máy bay và vũ khí đến từ đế quốc hùng mạnh. Cũng nhờ thế, những phương án thích hợp đã được cả trận địa thấm nhuần. Cả trong giấc ngủ, mỗi pháo thủ cũng lẩm nhẩm từng cách bắn, hướng xoay nòng.


T rong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại trận địa tên lửa Chèm, Tiểu đoàn 77 đã bắn rơi 25 máy bay các loại. Đặc biệt, trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12/1972, Tiểu đoàn 77 do ông chỉ huy ngay ở 4 ngày đầu (18 – 21/12/1972) đã bắn rơi 4 chiếc B.52 (3 chiếc rơi tại chỗ) và bắt sống nhiều giặc lái. Tiểu đoàn 77 đã trở thành một trong hai đơn vị bắn rơi nhiều máy bay B.52 nhất của Quân chủng Phòng không – Không quân.

Cũng theo Đại tá Đinh Thế Văn: Trong q uá trình chiến đấu chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 77 đã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Chỉ huy Trung đoàn tên lửa 257, Sư đoàn 361 và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân. Trong 12 ngày đêm chiến đấu với đế quốc Mỹ, hình ảnh sống động nhất, ấn tượng nhất, đã đi vào lịch sử Trung đoàn như một sự kiện đặc biệt là ngày 22/12/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ đã đến thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 77 ngay bên mâm pháo.

Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 77 đã luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vừng vàng, đoàn kết, nhất trí tạo thành sức mạnh tổng hợp và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Là lớp cán bộ trẻ, Đại úy Phạm Quốc Trung, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 khẳng định: Tiếp nối truyền thống cha anh đi trước, các cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 77 hôm nay thường xuyên giáo dục về truyền thống cách mạng, đặc biệt là chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 cho lớp chiến sỹ trẻ trong quá trình huấn luyện.

 

Bên cạnh đó, Tiểu đoàn 77 luôn lấy huấn luyện cán bộ, huấn luyện kíp chiến đấu làm nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là huấn luyện phương án chiến đấu sát với thực tế. Tiểu đoàn cũng xác định, mọi quân nhân trong đơn vị đều phải đoàn kết một lòng, giữa ý chí, hành động chiến đấu cao để quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời phía bầu trời Thủ đô Hà nội cũng như các mục tiêu khác được giao.

Tự hào với truyền thống Anh hùng của Tiểu đoàn 77, c hiến sỹ Lương Ngọc Bảo: Là chiến sĩ trẻ của thế hệ hôm nay, em luôn nỗ lực rèn luyện hết mình để xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha anh, đồng thời ra sức quyết tâm bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam.


Với những chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 77 đã vinh được tặng thưởng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, cùng nhiều phần thưởng khác của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng.


Nguyễn Cường
 TTXVN