1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trận “đại hồng thủy” ở Hoàng Mai là... bất khả kháng?

(Dân trí) - Ngày 4/10, tại TP Vinh, Sở NN&PTNT phối hợp cùng Sở TT&TT Nghệ An tổ chức buổi họp báo “thông báo tình hình của cơn bão số 10” vừa qua, báo cáo quá trình xã lũ hồ Vực Mấu khiến hơn 20.000 hộ dân ở thị xã Hoàng Mai bị ngập lụt.

Chủ trì buổi họp báo, đại diện Sở NN&PTNT Nghệ An báo cáo chi tiết về tình hình diễn biến và thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra trên địa bàn tinh Nghệ An. Theo đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua, tại Nghệ An đã xuất hiện những cơn mưa to và rất to khiến mực nước trên thượng nguồn các sông đổ về nhiều, gây ra tình trạng ngập lụt tại nhiều vùng trong tỉnh.
Trận “đại hồng thủy” ở Hoàng Mai là... bất khả kháng?
Ông Nguyễn Văn Lập - PGĐ Sở NN&PTNT - cho rằng việc xã lũ là đúng quy trình và người dân bị ngập lụt là việc "bất khả kháng".

Đặc biệt, tại thị xã Hoàng Mai, việc xã lũ cả 5 cửa tràn ở hồ Vực Mấu đã khiến hơn 20.000 hộ dân bị ngập sâu trong nước. Nhiều phường, xã bị ngập và chia cắt. Tuyến quốc lộ 1A đi qua thị xã Hoàng Mai cũng bị ngập nghiêm trọng, giao thông gần như tê liệt.

Theo báo cáo nhanh từ cơ quan chức năng, tính đến 11 giờ ngày 3/10, mặc dù trời đã ngớt mưa song nhiều tuyến đường vẫn bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Theo thống kê sơ bộ ban đầu, cơn bão số 10 đã gây thiệt hại nặng nề cho người và tài sản của người dân. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 3 người chết, 2 người bị thương và 1 người mất tích. Ngoài ra, cơn bão đã làm 10 căn nhà bị sập đổ, hư hỏng nặng, 124 ngôi nhà bị tốc mái. Đặc biệt, có 22.269 hộ dân bị ngập sâu trong lũ. Trong đó, thị xã Hoàng Mai bị ngập lụt khoảng 20.000 hộ dân. Đến ngày 3/10, vẫn còn hơn 200 hộ dân tại các vùng trũng của thị xã bị ngập trong nước.
Trận “đại hồng thủy” ở Hoàng Mai là... bất khả kháng?
Ông Hồ Ngọc Mai - GĐ Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc (Nghệ An) báo cáo về quá trình xã lũ ở hồ Vực Mấu.

Ước tính ban đầu của các Sở, Ngành, địa phương, đơn vị, cơn bão số 10 đã gây thiệt hại trên 1.239 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại của các huyện, thành thị và các ngành là 439 tỷ đồng. Riêng thị xã Hoàng Mai bị thiệt hại trên 800 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo, đại diện Sở NN&PTNT và đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thủy Lợi Bắc (Nghệ An) - đơn vị quản lý, vận hành hồ chức nước Vực Mấu - đưa ra những quan điểm khẳng định việc vận hành tràn xả lũ ở 5 cửa tràn của hồ Vực Mấu đã được thực hiện theo đúng quy trình vận hành, và cho rằng việc xã lũ cũng như các hộ dân bị ngập lụt là một việc “bất khả kháng”.

Cũng tại buổi họp báo, các nhà báo, PV các báo, đài Trung ương và địa phương đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề về quy trình vận hành xả lũ của đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa nước Vực Mấu liệu đã đúng quy trình hay chưa? Tại sao các hộ dân đã không được thông báo về việc xã lũ này? Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi được các PV đặt ra như: “Khi để xảy ra tình trạng ngập lụt cho hơn 20.000 hộ dân ở thị xã Hoàng Mai thì ai, cơ quan nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý như thế nào đối với những cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm này?”.
Trận “đại hồng thủy” ở Hoàng Mai là... bất khả kháng?
Ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND TX. Hoàng Mai cho biết việc xã lũ đã được phát trên loa phát thanh của xã.

Trả lời câu hỏi của các PV, ông Hồ Ngọc Mai - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc (Nghệ An) đã thừa nhận việc xả lũ tại hồ Vực Mấu là một trong những nguyên nhân gây ra trận lũ tại TX. Hoàng Mai. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định việc mở 5 cửa tràn để xã lũ là đúng quy trình đã quy định của UBND tỉnh.

Cũng theo ông Mai cho biết, mực nước luôn phải giữ ở mức 21m theo quy định quy trình vận hành nước. Khi biết Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thông báo do ảnh hưởng của bão số 10, trong vùng sẽ có lượng mưa từ 100-200mm. Công ty đã xin ý kiến của Ban chỉ huy PCLB, Sở chuyên ngành và đến 7 giờ ngày 30/9 đã có thông báo bằng điện thoại cho các đơn vị vùng hạ lưu tràn Vực Mấu. Đến 8 giờ đã có thông báo bằng văn bản về việc xã lũ tràn Vực Mấu để các địa phương chủ động trong việc thực hiện công tác phòng chống lũ lụt.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, rất nhiều hộ dân đã không hề biết về việc xã lũ ở hồ Vực Mấu và không nhận được bất cứ thông báo nào. Nhiều hộ dân chỉ đến khi nước vào tận giường ngủ mới biết là nước lũ đã ngập vào nhà và chỉ kịp thời chạy thoát thân. Tất cả tài sản, vật nuôi, lúa gạo đều theo dòng nước cuốn trôi mất.

Trả lời những câu hỏi của PV về quy trình vận hành nước: “Tại sao khi đã có dự báo có mưa to từ 100-200mm mà không tiến hành xã nước xuống dưới 19 hay 18m để tránh tình trạng xã lũ dồn dập, gây nên ngập lụt nghiêm trọng?”, ông Nguyễn Văn Lập - PGĐ Sở NN&PTNT - Nghệ An cho biết: “Theo quy định thì từ ngày 1/10, phải giữ mực nước 21 m, nếu xả cạn không đủ nước để dân sản xuất thì công ty phải chịu trách nhiệm. Đây cũng là một áp lực lớn đối với anh em”. Bên cạnh đó, ông Lập cũng cho rằng việc xả lũ đã đúng quy trình và việc người dân bị ngập lụt là “bất khả kháng”.

Về vấn đề người dân đã không nhận được bất cứ thông báo nào về việc xã lũ ở hồ Vực Mấu, ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND TX. Hoàng Mai - cho biết, sáng ngày 30/9, UBND thị xã Hoàng Mai đã có cuộc họp khẩn cấp về phòng chống lụt bão. Chiều ngày 30/9, thị xã có đoàn đi rà soát tình hình. Và các phường, xã đã phát thông báo về vấn đề xả lũ trên loa phát thanh.
 

Nghệ An: 3 người chết, thiệt hại gần 1.300 tỷ đồng do bão số 10

Hoàn lưu bão số 10 gây ra ở Nghệ An đã có 3 người chết là: chị Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1978, ở thị xã Hoàng Mai, bị nước cuốn trôi; ông Nguyễn Tài Dũng sinh năm 1962, Phó Giám đốc Sở Công Thương, hy sinh trong khi chở hàng cứu trợ cho thị xã Hoàng Mai; cháu Nguyễn Văn Toàn, 12 tuổi, huyện Tân Kỳ, bị chết đuối trong lúc đi chăn trâu.

Hiện vẫn còn 1 người mất tích là anh Phan Văn Tuấn, sinh năm 1988, quê thị xã Hoàng Mai, mất tích ngày 01/10.

Cũng trong đợt này, có 2 người bị thương ở thị xã Thái Hòa và huyện Hưng Nguyên.

Học sinh vùng rốn lũ, đối mặt với nguy cơ nghỉ học dài ngày vì sách vở ướt sũng.

Học sinh vùng rốn lũ, đối mặt với nguy cơ nghỉ học dài ngày vì sách vở ướt sũng.

Đặc biệt, hoàn lưu bão số 10 đã làm cho nhiều nhà bị sập đổ, hư hỏng nặng. Số nhà dân bị ngập tại thời điểm cao nhất là 22.269 nhà.

Nguyễn Duy - Ngọc Tú