1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Trạm dừng xe buýt “bất khuất”: Thuận tiện đón trả khách?

(Dân trí) - Đơn vị quản lý đánh giá việc lắp đặt các trạm dừng xe buýt dưới lòng đường Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) đem lại nhiều ưu điểm, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho xe buýt ra/vào các điểm dừng đón trả khách.

Những trạm dừng xe buýt "bất khuất" trên đường Xã Đàn được đơn vị quản lý đề nghị tiếp tục duy trì.

Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị vừa có công văn gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội về việc nhiều trạm dừng xe buýt được bố trí dưới lòng đường Xã Đàn.

Nội dung công văn cho biết, đường Xã Đàn hiện có 6 điểm dừng xe buýt, bao gồm 5 điểm dừng có nhà chờ lắp đặt trên các đảo giao thông, 1 điểm dừng lắp đặt trên hè không có nhà chờ. Khoảng cách từ trạm dừng xe buýt tới vỉa hè phía sau rộng 2,5m.

Đồng thời, mặt cắt ngang đường Xã Đàn tại các vị trí điểm dừng xe buýt rộng bình quân khoảng 16 - 18m. Trong đó, 4 vị trí đã xén vỉa hè để mở rộng đường, bù lại phần diện tích xây đảo giao thông, lắp đặt nhà chờ xe buýt.

Đối với trạm dừng ở số 71 Xã Đàn, mặt cắt ngang đường bị thu hẹp do đây không phải vị trí được thiết kế ban đầu của tuyến đường và phía sau trạm dừng không được xén vỉa hè như các vị trí khác.

Qua kiểm tra, vị trí hiện tại của trạm dừng xe buýt này được điều chỉnh từ năm 2008 khi Sở GTVT Hà Nội thực hiện tổ chức lại nút giao thông Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch.

Trạm dừng xe buýt “bất khuất”: Thuận tiện đón trả khách? - 1

Nhiều trạm dừng xe buýt được thiết kế cách vỉa hè vài mét thay vì ở trên vỉa hè như các tuyến đường khác (Ảnh: Nguyễn Trường).

Tiếp tục duy trì, hạn chế di chuyển

Trên cơ sở kiểm tra hiện trạng các điểm dừng xe buýt dưới lòng đường Xã Đàn, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị đánh giá việc này giúp xe buýt thuận tiện hơn khi ra/vào đón trả khách vì ít phải cắt các dòng giao thông khác.

Mặt khác, các nhà chờ xe buýt được thiết kế dưới lòng đường sẽ không che chắn trực tiếp vào nhà dân phía sau.

“Tại các đảo giao thông, mặt cắt ngang đường vẫn đảm bảo với tổng mặt cắt ngang của đường giao thông tại đây lớn hơn mặt cắt ngang bình quân của tuyến đường khoảng 1m. Do vậy, về cơ bản giao thông vẫn khá thuận lợi” - công văn cho biết thêm.

Cũng theo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, việc thiết kế trạm dừng chờ như hiện tại buộc hành khách phải đi bộ 2,5m dưới lòng đường để tiếp cận xe buýt nhưng ở những vị trí này, làn đường gom mặt cắt ngang hẹp và lưu lượng giao thông không lớn.

Qua kiểm tra, 1 trạm dừng xe buýt có mặt cắt ngang bị thu hẹp, có thể gây những bất cập về giao thông vào giờ cao điểm.

Tuy nhiên, các điểm dừng xe buýt ở nơi đây đã lắp đặt ổn định trên 10 năm, có mái che nên phục vụ rất tốt cho hành khách.

Trên cơ sở đó, Trung tâm này đề nghị Sở GTVT Hà Nội tiếp tục duy trì hệ thống điểm dừng nhà chờ theo thiết kế ban đầu của tuyến đường. Hạn chế tối đa việc di chuyển điểm dừng lên hè vì sẽ gây cản trở đối với người đi bộ.

Đồng thời, cho phép Trung tâm mời liên ngành các phòng, ban chuyên môn tiến hành khảo sát đánh giá hiện trạng toàn bộ các điểm dừng xe buýt trên đường Xã Đàn để có những đề xuất cụ thể với từng vị trí.

Như Dân trí đã phản ánh, dưới lòng đường Xã Đàn, nhiều trạm dừng xe buýt được thiết kế cách vỉa hè vài mét thay vì trên vỉa hè như các tuyến đường khác ở Hà Nội, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Nhiều người dân sinh sống tại đây cho rằng, những trạm dừng xe buýt nằm “hiên ngang” dưới lòng đường gây bất tiện, nguy hiểm cho hành khách và người tham gia giao thông.

Đặc biệt, khi xe buýt vào bến đón trả khách, lòng đường càng hẹp lại nên nhiều lần xảy ra tai nạn, va chạm.

Nguyễn Trường