Trạm cấp nước bỏ hoang, dân phải dùng nước bẩn
(Dân trí) - Nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia, các trạm cấp nước sạch trị giá hàng trăm triệu đồng được xây dựng ồ ạt tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) chỉ nằm phơi mưa phơi; trong khi dân nghèo phải múc nước kênh ô nhiễm để sinh hoạt.
Trạm cấp nước cho cụm dân cư vượt lũ tại UBND xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, nằm chơ vơ giữa tuế nguyệt, trơ phốt sắt hoen gỉ, không có lấy một giọt nước.
Một người dân tên Nguyễn Văn Út nói: “Trạm cấp nước giá 400 triệu đồng để không như thế cả năm trời trong khi 140 hộ dân trong xã phải bỏ ra 12.000 đồng thuê bơm nước trong một tiếng đồng hồ”.
Cách đó không xa, trạm cấp nước tại tuyến dân cư rạch Mã Trường (ấp Tân Bình Hạ, xã Tân Huề) được đầu tư hơn 350 triệu đồng, đã hoành chỉnh, cũng không hề có nước. Bà Phạm Thị Mỹ Lệ phản ánh: “Người dân trong tuyến dân cư này thấy xây trạm cấp nước sạch đều mừng rỡ. Ai dè vẫn phải sử dụng nguồn nước dưới rạch Mã Trường rất dơ bẩn. Mấy tháng nắng, rạch cạn nước dân phải đi mấy cây số ra sông lớn gánh nước về xài, nhìn cái trạm cấp nước mà tức không ngủ được chú ạ”.
Ông Lê Minh Mật - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Huề - cho biết: “2 trạm cấp nước này do Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đồng Tháp đầu tư xây dựng và chưa bàn giao cho xã. Địa phương không được tham gia bất kỳ công đoạn nào. Nếu như ban đầu xã có thể tham gia thì sẽ kiến nghị không không xây trạm cấp nước mà đầu tư nâng cấp nhà máy nước hiện có để cung cấp cho dân thì tiện lợi hơn”.
Trong khi đó, trạm cấp nước cho tuyến dân cư xã Tân Bình có nước nhưng là nước nhiễm phèn đỏ ối. Khi xây dựng các trạm cấp nước này, trung tâm đã không hề khoan thăm dò mạch nước.
Ông Nguyễn Chấp Kinh - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh Môi trường nông thôn tỉnh Đồng Tháp - phân bua: “Do chi phí khoan dò tìm mạch nước ngầm quá cao, bằng với kinh phí đầu tư một trạm cấp nước nên chúng tôi chỉ dựa trên cơ sở đánh giá tổng quát mạch nước ngầm để… tiết kiệm”.
Ông Kinh cho biết thêm, đối với các trạm cấp nước sau khi hoàn thành nhưng không có nước thì chỉ còn một phương án duy nhất là xây thêm bể xử lý nước mặt để xử lý cung cấp cho dân. Tuy nhiên, kinh phí để xây dựng, quản lý một bể xử lý nước mặt rất lớn (khoảng 600 triệu đồng), gấp rưỡi kinh phí đầu tư một trạm cấp nước ngầm.
Như vậy, mỗi trạm cấp nước sau khi đầu tư xây dựng và sửa chữa có giá xấp xỉ 1 tỷ đồng mà chưa chắc đã dùng được. Một chương trình mục tiêu Quốc gia bị “treo” trước sự bức xúc của dân nghèo.
Lệ Thủy