Trại gà tiến vua "cháy" hàng dịp Tết Đinh Dậu
(Dân trí) - Mang giống gà tiến vua từ Hưng Yên tới Thanh Hóa nuôi thử nghiệm, anh nông dân Phạm Huy Tấn đã xây dựng được một trang trại gà Đông Tảo độc nhất xứ Thanh. Mỗi năm trang trại của anh cung ứng ra thị trường hàng nghìn con, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền.
Trang trại gà Đông Tảo của anh Phạm Huy Tấn (thôn 5, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) mỗi năm cung cấp ra thị trường 4 tấn gà thịt, 7.000 con gà giống, nhưng vẫn không đủ cung cho thị trường. Thời điểm hiện tại, dù vẫn chưa đến Tết nguyên đán nhưng hàng nghìn con gà Đông Tảo của trang trại đã được xuất bán từ đầu tháng 10 âm lịch. Cho đến nay, chỉ còn khoảng 1.000 con phục vụ thị trường Tết nguyên đán.
Theo anh Tấn, dù giá gà tiến vua này khá đắt nhưng Tết năm nào trang trại của gia đình anh cũng “cháy” hàng.
Vốn sinh ra ở Hưng Yên, nhưng cơ duyên đã đưa gia đình anh Tấn về Xuân Du lập nghiệp. Anh Tấn cho biết năm 2011, trong một lần đi chơi lễ hội, anh thấy đất đai ở Xuân Du rộng, cao ráo, lại màu mỡ, rất phù hợp với chăn nuôi và trồng trọt nên có ý định mua một mảnh đất để làm trang trại, lập nghiệp.
Anh Tấn quyết định mua một mảnh vườn dưới chân đồi rộng hơn 1.000 m2. Có đất, lại được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh đã xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu đồng. Sau khi chuồng trại xây dựng hoàn chỉnh, anh Tấn đưa 180 con giống gà Đông Tảo từ huyện Khoái Châu, Hưng Yên quê anh vào để nuôi thử nghiệm.
Những lứa gà đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả đàn gà chưa cao, gà bệnh chết nhiều.Thế nhưng, người nông dân này vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Sau những lần thất bại, anh Tấn đã dần dần đúc rút ra được kinh nghiệm nuôi giống gà
Đúc rút kinh nghiệm mỗi lứa gà từ khâu chọn giống, lựa chọn thức ăn phù hợp, chăm sóc, giữ ẩm, giữ nhiệt cho gà, đàn gà của anh càng ngày càng phát triển.
Anh cho biết: “Nuôi gà Đông Tảo không khó, khi gà Đông Tảo trưởng thành thì sức đề kháng rất tốt và phát triển khá nhanh, nhưng trong giai đoạn đầu sức đề kháng của gà yếu và phát triển chậm. Nếu cho ăn thức ăn giàu chất dinh dưỡng, nuôi nhốt chật hẹp, gà sẽ lười vận động, dễ sinh bệnh và nếu có nuôi được thì chất lượng thịt cũng không tốt. Gà giống 2 tháng đầu tiên cần được giữ ấm trong môi trường gần gũi thiên nhiên, ăn thức ăn tự nhiên như cám, lúa, ngô, rau xanh, có sân chơi, có ánh nắng thì sức đề kháng của gà sẽ rất tốt và phát triển mạnh sau đó”.
Với kinh nghiệm học hỏi, tích lũy của mình, chỉ sau một thời gian ngắn đàn gà của anh phát triển ổn định. Thấy gà phát triển tốt, hợp với thời tiết vùng miền núi Xuân Du, anh quyết định mở rộng quy mô thành trang trại. Năm 2013, anh đã đầu tư mua máy ấp trứng để nhân rộng đàn gà và cung ứng con giống ra thị trường. Đến nay, sau 6 năm khởi nghiệp, trang trại của anh có 4.000 con gà Đông Tảo, bao gồm cả gà thịt và gà sinh sản.
Giống gà có cặp chân đặc biệt này rất được ưa chuộng trong dịp Tết nguyên đán.
Do nhu cầu của khách nên gà thịt anh đã cho xuất bán gà từ cuối tháng 10 đến nay. “Năm nay, có nhiều người đến đặt đơn hàng mua gà ăn Tết. Nhưng hiện nay, trong vườn chỉ còn 400 gà mẹ và hơn 1.000 gà thịt thôi”- anh Tấn cho hay.
Giá bán 100.000 đồng/con gà giống, gà thịt tùy loại (300.000 - 500.000 đồng/kg); đặc biệt có những con gà được anh Tấn bán từ 3-5 triệu đồng. “Năm 2014, có một vị khách đã từng đến mua của tôi 1 con gà trống nặng hơn 6kg với giá 20 triệu đồng. Tuy nhiên, để chăm nuôi được những con gà như vậy, không phải là chuyện đơn giản”, anh Tấn tiết lộ.
Không những mỗi năm có hàng nghìn con gà Đông Tảo phục vụ cho thị trường Tết, anh Tấn còn đưa vào trang trại của mình các loại cây đặc sản như: bưởi Diễn, cam đường V2, ngoài ra anh trồng thêm 30 gốc đào thế, 1.000 cây quất để bán dịp tết và nhiều cây đặc sản khác như ổi, táo lai...
Những cây bưởi, cam đường V2 đến nay cũng đang vào vụ thu hoạch. “Bưởi Diễn, cam đường khi được trồng ở Xuân Du cũng rất thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Vừa có thêm thu nhập lớn lại có bóng mát cho đàn dà phát triển. Tuy nhiên, công chăm sóc hai loại cây đặc sản này đòi hỏi kỹ thuật cao, phải chăm sóc nhiều hơn mức bình thường thì cây mới cho năng suất” – anh Tấn chia sẻ.
Với trang trại độc đáo này, mỗi năm gia đình anh Tấn thu được trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, mỗi năm lợi nhuận anh cũng có trên 500 triệu đồng tiền lãi.
Nguyễn Thùy