1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Trách nhiệm ít thế, tôi cũng có thể làm Thủ tướng” (!)

(Dân trí) - “Luật quy định quyền hạn của Thủ tướng rất lớn trong khi trách nhiệm rất nhỏ, chỉ là báo cáo công tác trước Quốc hội. Trách nhiệm nhỏ vậy thì tôi cũng làm Thủ tướng được” – đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu trước hội trường Quốc hội.

Ngày 1/6, Quốc hội có phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Cử tri đặt trách nhiệm chống tham nhũng cho Thủ tướng
“Trách nhiệm ít thế, tôi cũng có thể làm Thủ tướng” (!)
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng rất lớn nhưng quy định về trách nhiệm lại rất ít" (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương):

"Một số nước trên thế giới có dân số gấp 3 - 4 lần ở Việt Nam nhưng họ chỉ có Tổng thống và một Phó Tổng thống. Tổng thống của họ vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa gánh trọng trách của Thủ tướng Chính phủ. Với vai trò, nhiệm vụ lớn như vậy, dân số đông, diện tích rộng như vậy mà với chri hai người, họ vẫn làm được, làm tốt. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, nếu cứ giảm đi 1/3 cấp phó so với quy định trong dự thảo luật trình hôm nay, chắc chắn bộ máy sẽ vận hành tốt hơn, năng lực trình độ của người đứng đầu bộ, ngang bộ cũng có điều kiện thể hiện rõ hơn, phát huy được cao hơn".

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) ủng hộ việc bổ sung cho Thủ tướng 2 quyền về công tác nhân sự (quyền giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết nhân sự này trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; quyền tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp chưa bầu được chức danh này). Tuy nhiên, đại biểu cũng đặt vấn đề về trách nhiệm đặt ra đối với người đứng đầu Chính phủ.

“Về logic, trách nhiệm phải tương xứng với quyền hạn nhưng trong khi dự luật quy định các quyền hạn của Thủ tướng khá rộng thì phần trách nhiệm lại chỉ dừng ở trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội là không tương xứng. Cần thể hiện rõ ràng như phần quy định đối với Bộ trưởng, tức là phải chịu trách nhiệm cá nhân về nhiệm vụ được phân công, phụ trách” – ông Tiến nói.

Đi sâu vào chế độ báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng, các Bộ trưởng, đánh giá đây là quy định mới được bổ sung và là điều luật cần thiết nhằm đảm bảo tăng cường tính minh bạch, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và các thành viên Chính phủ nhưng đại biểu Tiến đề nghị dự thảo luật thể hiện rõ hơn về phương thức thực hiện, thời gian thực hiện, chế độ báo cáo để đảm bảo tính khả thi của quy định này.

Tán thành cách đặt vấn đề của ông Tiến, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận xét, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng rất lớn nhưng trách nhiệm rất nhỏ, nếu chỉ quy định việc báo cáo trước Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội, báo cáo Chủ tịch nước hoặc ủy quyền.

“Quyền hạn quá lớn trong khi trách nhiệm quá nhỏ như vậy thì tôi cũng làm Thủ tướng được. Tôi đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng và lãng phí, trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội” – ông Thuyền đặt vấn đề.
“Trách nhiệm ít thế, tôi cũng có thể làm Thủ tướng” (!)
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp: Thủ tướng phải thường xuyên kiểm tra, xử lý cá nhân tham nhũng (ảnh: Ngọc Châu).

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cũng muốn ghi thêm trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ là lãnh đạo thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, chống lãng phí trong bộ máy nhà nước và các hoạt động kinh tế, xã hội. Thủ tướng phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, cá nhân tham nhũng hoặc các cơ quan để xảy ra tham nhũng, lãng phí".

Ông Tiếp lập luận, qua tiếp xúc cử tri thời gian qua, cử tri luôn đặt trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh tham nhũng mãi chưa được đẩy lùi, thậm chí là gia tăng, nhiều nguy cơ hơn.

Chốt “quota” mỗi bộ 5 Thứ trưởng trừ Công an, Quốc phòng

Chuyển sang vấn đề số lượng Thứ trưởng, Phó Cục trưởng/Tổng Cục trưởng, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) lập luận, luật hiện hành không quy định “cứng” vấn đề này là một kẽ hở vì có lúc có bộ có đến 7, 8 thậm chí 9 Thứ trưởng.

Ông Út tán thành hướng quy định số lượng cấp phó các bộ, cơ quan ngang bộ không quá 5. Riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Chia sẻ với cái khó của nhiều bộ lớn, đại biểu gợi ý nới thêm “quota” đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
Đại biểu Danh Út - Kiên Giang (ảnh: Ngọc Châu).
Đại biểu Danh Út - Kiên Giang (ảnh: Ngọc Châu).
 
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) lắc đầu với quy định về trường hợp đặc biệt có thể bổ nhiệm hơn 5 Thứ trưởng như dự thảo luật thể hiện: “do sáp nhập bộ hoặc yêu cầu điều động cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Chính phủ trình UB thường vụ Quốc hội xem xét tăng lượng Thứ trưởng”. Ông Lâm cảnh báo, để quy định này trong luật dễ dẫn đến tùy tiện khi vận dụng để tăng số lượng Thứ trưởng.

Tương tự, đại biểu cũng cho rằng, cần quy định rõ, số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ không quá 5 người trên tương quan về số lượng của Thủ trưởng, Phó thủ tướng cơ quan ngang bộ.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng nhận định, có nhiều phó thì “trách nhiệm của ông trưởng hạn chế”. Giới hạn số lượng Thứ trưởng là cần thiết. Ông Thuyền cũng không tán thành việc bên dưới điều luật này lại “thòng một câu” về trường hợp đặc biệt được tăng số lượng Thứ trưởng.

Ông Thuyền cương quyết: “Tôi cho rằng chúng ta vừa đưa ra nguyên tắc cứng ở trên đã lại có ý đồ đưa ra nguyên tắc mềm ở dưới để thêm nếm. Quy định cứng thể hiện Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với việc này. Vậy thì không thể UB Thường vụ Quốc hội lại có quyền quyết định cao hơn Quốc hội nữa là không được”.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng chỉ ra nghịch lý, muốn việc bổ nhiệm số lượng cấp phó đi vào khuôn khổ nhưng vẫn đưa ra trường hợp đặc biệt thì sau này, các trường hợp muốn bổ nhiệm thêm “sẽ chui cả vào trường hợp đặc biệt vì như thế thì mọi phát sinh đều có thể giải quyết được”.  

P.Thảo