1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trách nhiệm của chủ nhà trọ trong hoạt động PCCC như thế nào?

Văn Yên

(Dân trí) - Theo dự thảo Luật PCCC&CNCH, người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở có trách nhiệm tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở người thuê, mượn… thực hiện quy định của pháp luật về PCCC&CNCH.

Tại Điều 8 dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Điều này thể hiện, PCCC&CNCH là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài ra, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội PCCC&CNCH cơ sở, đội PCCC&CNCH chuyên ngành hoặc đội dân phòng khi có yêu cầu.

Trách nhiệm của chủ nhà trọ trong hoạt động PCCC như thế nào? - 1

Hiện trường vụ cháy xảy ra tại một căn nhà ở kết hợp kinh doanh đồ điện ở Hà Nội khiến 4 người chết (Ảnh: Trần Thanh).

Dự thảo luật cũng quy định, người đứng đầu cơ sở, trừ chủ hộ gia đình trực tiếp sử dụng nhà ở có trách nhiệm sau đây:

Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Thứ hai, thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC&CNCH cơ sở hoặc đội PCCC&CNCH chuyên ngành theo quy định tại Điều 37 của luật này, hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.

Thứ ba, ban hành hoặc tham mưu người có thẩm quyền ban hành quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Thứ tư, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý về việc thực hiện quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Thứ năm, xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, quyết định hoặc đề xuất người có thẩm quyền quyết định trang bị, duy trì tính năng sử dụng của phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả do cháy, tai nạn, sự cố gây ra;

Thứ bảy, lập, quản lý hồ sơ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý; khai báo, cập nhật dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy.

Thứ tám, thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật PCCC&CNCH cũng quy định, chủ hộ gia đình trực tiếp sử dụng nhà ở có trách nhiệm tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở thành viên khác trong gia đình thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

Ngoài ra, chủ hộ gia đình cũng phải thực hiện các nhiệm vụ khác về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

Theo dự thảo Luật PCCC&CNCH, các cá nhân có trách nhiệm chấp hành quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, các cá nhân cần tìm hiểu kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và kỹ năng thoát nạn, sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thông dụng.

"Bảo đảm an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất dễ cháy, nổ; phát hiện, ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây cháy, nổ và các hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện, khả năng cho phép; tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi được cơ quan, người có thẩm quyền huy động; chấp hành yêu cầu, quyết định của người chỉ huy chữa cháy, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ", dự thảo Luật PCCC&CNCH nêu.

Đơn vị soạn thảo luật cũng quy định, người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở có trách nhiệm tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở người thuê, mượn, ở nhờ thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, trường hợp thuê, mượn, ở nhờ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thì người thuê, mượn, ở nhờ còn có trách nhiệm bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy theo quy định.