Trách nhiệm của báo chí trong học tập và làm theo Bác

TTXVN

(Dân trí) - Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cơ quan báo chí đã thể hiện "hai vai", vừa là đối tượng học tập và làm theo, vừa là cơ quan tuyên truyền việc thực hiện.

Trách nhiệm của báo chí trong học tập và làm theo Bác - 1

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Sáng 12/5, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo Hội thảo.

Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các cơ quan báo chí, theo Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, cần hiểu rõ hai vấn đề, đó là đạo đức Hồ Chí Minh đối với báo chí là gì; cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo làm được những gì để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đối với nội bộ và bản thân mình.

Với quan niệm báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng, Bác viết: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8/9/1962), Bác chỉ rõ: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng", "để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải tu dưỡng đạo đức cách mạng".

Hơn nửa thế kỷ qua, báo chí cách mạng nói chung và đội ngũ những người làm báo đã không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức báo chí,  phát huy được vị trí, vai trò và tác dụng của báo chí trong sự nghiệp chung. Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và thực hiện trong nội bộ Hội một bản "Quy ước về đạo đức báo chí Việt Nam", sau đó sửa đổi thành "Quy định về đạo đức báo chí Việt Nam". Theo đó, những nội dung chính được ghi là: Báo chí phải phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; người làm báo hành nghề trung thực khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền con người, bảo vệ bí mật quốc gia, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật; sống lành mạnh, giữ gìn phẩm chất trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, xúc phạm nhân phẩm và lợi ích của người khác; thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn, cầu tiến bộ, gắn bó với nhân dân, giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, đồng thời tôn trọng các nền văn hóa khác và những giá trị tinh thần phổ biến của loài người.

Hoạt động thực tiễn trong nhiều thập kỷ qua đã giúp các cơ quan báo chí và giới báo chí nhận thức ngày càng rõ hơn, sâu sắc hơn về vai trò của báo chí trong tuyên truyền, giáo dục, vận động và thực hành phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trong đó "nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" là nội dung quan trọng hàng đầu.

Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên 

Chia sẻ kinh nghiệm của Tuyên Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cụ thể hóa việc phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên thông qua thực hiện giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện "đặt hàng" công việc với các giám đốc sở, bí thư huyện ủy và chủ tịch UBND huyện, tập trung vào việc lớn, việc khó, những điểm nghẽn để bứt phá, phát triển, nhất là những bức xúc, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư...

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục giao 244 việc đột phá, việc mới cho 76 đồng chí cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; giao 219 việc cho 65 đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý còn lại. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng và thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh giao 731 việc đột phá, đổi mới cho 565 cán bộ theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ. Việc "Đăng ký và giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ" đã tạo điều kiện thúc đẩy đội ngũ cán bộ khẳng định bản lĩnh, phát huy năng lực lãnh đạo, điều hành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị; đồng thời tạo môi trường và động lực để cán bộ chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bà Lê Thị Kim Dung đánh giá việc thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là tiền đề quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đưa Tuyên Quang ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì từ 7-8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm, GRDP khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ 4/11 tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững, tỷ lệ che phủ rừng trên 65% (đứng thứ 3 cả nước).

Theo TTXVN