Trách nhiệm cá nhân
(Dân trí) - Không phải tự nhiên mà trong dân lưu truyền câu nói đầy ý tứ: “Làm lãnh đạo dễ nhất”. Dễ vì chỉ đi phát biểu vỗ tay, dễ vì chỉ có chỉ đạo, giao việc, và dễ nhất là nếu có thành tích thì vơ lấy, còn thất bại thì đổ cho tập thể.
Câu chuyện của dân gian đã trở thành câu chuyện của các vị đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận sôi nổi tại nghị trường tuần qua. Các đại biểu phê phán tiêu cực xảy ra rất nhiều ở các bộ, ngành của Chính phủ, nhưng người đứng đầu không chịu trách nhiệm.
Cụ thể như nguồn vốn ODA được quản lý lơi lỏng, để cho một số cá nhân xài như lá, nhưng các ông bộ trưởng liên quan không đứng nhận trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội.
Chính vì đề cao tinh thần tự chịu trách nhiệm của lãnh đạo, nên cử tri cả nước bức xúc gửi lời qua đại biểu của mình để thưa lại rằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính phải giải trình rõ các vấn đề, yêu cầu Quốc hội phân công công tác cho đồng chí Bộ trưởng tùy thuộc vào sự giải trình và tinh thần thực sự cầu thị của Bộ trưởng.
Còn riêng với Thủ tướng Chính phủ, cử tri yêu cầu có lời xin lỗi toàn dân về những khuyết điểm kinh tế - xã hội, cán bộ hư hỏng. Nguyện vọng và ý chí của nhân dân luôn mạnh mẽ và luôn luôn đúng, không ai có thể coi nhẹ.
Cũng từ thông tin tại diễn đàn Quốc hội tuần qua mà suy, không chỉ ở các cơ quan Chính phủ mà tất cả cơ quan trong hệ thống chính trị, người giữ vai trò thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm thật cụ thể về kết quả hoạt động của đơn vị.
Từ trước đến nay, nhiều người đứng đầu luôn lợi dụng tấm bình phong tập thể để che chắn sự yếu kém và những sai phạm của mình. Cá nhân thì hữu hình, tập thể thì vô hình, đổ cho một ông vô hình chịu trách nhiệm về những sai phạm rất cụ thể đã trở thành “nghệ thuật”.
Nếu tỉnh táo và công bằng để nhận định, trong hầu hết cơ quan của nhà nước, không mấy người đứng đầu dám đứng ra chịu trách nhiệm về những sai phạm hoặc yếu kém của đơn vị mình. Và đó là một trong những nguyên nhân sinh ra mọi tệ nạn trong xã hội hiện nay.
Nếu xây dựng và thực hiện nghiêm túc cơ chế người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, có thưởng phạt, kỷ luật, cách chức phân minh thì không phải ai cũng dễ dàng nhận lấy trọng trách, và cũng không mấy ai dám làm ẩu, làm bừa.
Hãy tôn trọng vai trò cá nhân cũng như đặt đúng trách nhiệm cá nhân. Khái niệm tập thể bị lạm dụng, bị nhấp nhem trong trường hợp này chẳng khác gì vô tình tạo ra một tập thể vô trách nhiệm.
Lê Chân Nhân