1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Trả hồ sơ đề nghị cấp phép môi trường của Nhà máy sô đa Chu Lai

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đối với Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và đề nghị làm rõ nhiều vấn đề liên quan.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành vừa ký văn bản gửi Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Tiến (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) thông báo việc trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đối với Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai (Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Trả hồ sơ đề nghị cấp phép môi trường của Nhà máy sô đa Chu Lai - 1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành (Ảnh: Dũng Nguyễn).

Sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất sô đa công suất 200.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần sản xuất sô đa Chu Lai được Bộ này phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) năm 2010, được Ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lại cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 10/2009.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở là Công ty Cổ phần sản xuất sô đa Chu Lai phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.

Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Tiến cần bổ sung các văn bản pháp lý để minh chứng là chủ dự án đầu tư, cơ sở đối với nhà máy trên; từ đó mới có cơ sở xem xét cấp giấy phép môi trường.

Hơn nữa, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cho thấy nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2015. Đến thời điểm nộp hồ sơ, nhà máy chưa có giấy phép môi trường thành phần là giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

"Đề nghị công ty giải trình, làm rõ lý do chưa được cấp giấy phép môi trường thành phần nêu trên", Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu.

Trả hồ sơ đề nghị cấp phép môi trường của Nhà máy sô đa Chu Lai - 2

Công ty Cổ phần sản xuất sô đa Chu Lai (Ảnh: Công Bính).

Cũng theo hồ sơ gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy trình công nghệ sản xuất sô đa có thay đổi so với ĐTM được phê duyệt. Nhà máy đã bổ sung thêm công đoạn chưng cất để thu hồi NH3 và CO2… nhưng phần thay đổi so với ĐTM trong hồ sơ lại không có nội dung giải trình việc này.

Vì thế, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Tân Tiến rà soát, giải trình rõ các nội dung thay đổi so với ĐTM được phê duyệt, bổ sung căn cứ pháp lý cho việc thay đổi và khẳng định rõ thay đổi đó có thuộc đối tượng phải lập ĐTM theo Nghị định số 08/2022 của Chính phủ không.

Như Dân trí thông tin trước đó, Công ty Cổ phần sản xuất sô đa Chu Lai được cấp giấy chứng nhận sản xuất sô đa công nghiệp, công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư trên 100 triệu USD.

Quá trình xây dựng và vận hành thử nghiệm, thiết bị của nhà máy không đúng tiêu chuẩn như hợp đồng đã cam kết. Hơn nữa, sau sự cố giàn khoan 981 năm 2014, nhà thầu EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng) của Trung Quốc "một đi không trở lại", khiến nhà máy rơi vào tình cảnh rất khó khăn.

Năm 2018, các ngân hàng tham gia cho nhà máy vay đã thống nhất chấp thuận cho Công ty Tân Tiến hợp tác và đầu tư để Nhà máy sô đa Chu Lai đi vào hoạt động.

Năm 2021, Công ty sô đa Chu Lai và Công ty Tân Tiến ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong đó giao cho Công ty Tân Tiến toàn quyền chủ động quản lý, vận hành và kinh doanh nhà máy.

Tháng 3/2023, Công ty sô đa Chu Lai gửi văn bản báo cáo đến UBND tỉnh Quảng Nam để được tạo điều kiện cho nhà máy đi vào hoạt động chính thức, sản xuất ổn định, tạo việc làm cho hơn 500 lao động tại địa phương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm