1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Xuất hiện nhiều nguyên nhân gây ngập mới

(Dân trí) - Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, tình hình ngập úng nghiêm trọng với tần suất cao tại TPHCM trong năm nay, ngoài lý do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều còn có nhiều nguyên nhân mới; chủ yếu là do con người gây ra.

Đầu tiên là do việc triển khai thi công cùng lúc hàng loạt công trình lớn như: Dự án Vệ sinh môi trường TP, Dự án Đại lộ Đông - Tây, Dự án Vệ sinh môi trường nước TP… nhưng không có biện pháp dẫn dòng phù hợp khi phá bỏ đường thoát nước cũ để thi công, làm nước không tiêu thoát kịp, gây nên tình trạng ngập úng. 

Ngoài ra, một số hạng mục thi công làm thu hẹp tiết diện cống, cửa xả, kênh rạch thoát nước... cũng góp phần làm tình trạng ngập úng thêm nghiêm trọng. Và nó còn tạo ra một số điểm ngập mới, như: khu vực đường Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong, khu vực Pastuer - Lê Lợi, khu vực Nam Kỳ Khởi Nghĩa… 

Thứ hai, việc gần đây TPHCM có hàng loạt công trình nhà cao tầng được xây dựng cũng là một nguyên nhân gây ngập mới. Do các đơn vị trong quá trình thi công đã tự tiện xả nước lẫn bùn đất trong công trình vào hệ thống thoát nước, gây nghẽn cống.  

Khi mưa, các cống thoát nước này không thể phát huy tác dụng, gây nên tình trạng ngập cục bộ. Tiêu biểu cho hiện tượng này là con đường Nguyễn Hữu Cảnh với hàng loạt công trình như: khu căn hộ cao cấp Saigon Pearl, The Manor… 

Thứ ba là do khả năng quản lý, duy tu các công trình thoát nước đã được phân cấp cho địa phương quản lý quá yếu kém. Vì chuyên môn của cán bộ ở địa phương không đáp ứng yêu cầu và kinh phí của địa phương không đủ nên các công trình ngày càng xuống cấp trầm trọng, mất tác dụng tiêu thoát nước. 

Ngoài ra, nhiều dự án treo dọc bờ sông Sài Gòn, cũng như các thửa đất của tư nhân không được chú ý duy tu hoặc không xây dựng bờ bao… cũng gây nên hiện tượng vỡ bờ bao, ngập lụt mỗi khi nước triều trên sông Sài Gòn lên cao. Nguyên nhân này vừa được đoàn kiểm tra liên ngành TPHCM phát hiện ra trong đợt kiểm tra ngày 8/11 vừa qua. 

Do hàng loạt nguyên nhân mới nêu trên, trong những ngày đầu tháng 11 vừa qua, nhiều cơn mưa nhỏ như mưa trong các ngày 6, 7; hay mưa lớn nhưng không kéo dài như ngày 8, 9 cũng gây ngập nhiều khu vực. Đặc biệt là ngập có xu hướng kéo về phía trung tâm TP; điển hình là các tuyến đường Hồ Hảo Hớn, Yersin, Bến Chương Dương, Trần Khắc Chân, Trần Khánh Dư… 

Để giải quyết các nguyên nhân “mới” trên, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã kiến nghị Sở GTCC TPHCM đẩy nhanh tiến độ các dự án và có biện pháp dẫn dòng thoát nước phù hợp; đình chỉ thi công các công trình xả nước lẫn bùn đất vào hệ thống thoát nước; tăng cường năng lực, kinh phí cho các quận huyện trong công tác quản lý, duy tu hệ thống thoát nước được phân cấp… 

Tùng Nguyên