1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Xe buýt vẫn từ chối người tàn tật

Một lần, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng đón tuyến xe đi từ đường Nguyễn Cư Trinh ra chợ Bình Tây. Khi thấy chị, xe buýt đầu tiên bất ngờ tăng tốc chạy thẳng. Xe thứ hai, cô tiếp viên thẳng thừng không cho chị lên xe...

TPHCM vừa ban hành chủ trương miễn phí vé xe buýt cho người tàn tật. Nhưng trên thực tế, người tàn tật vẫn gặp phải quá nhiều khó khăn khi muốn sử dụng phương tiện này.

 

Tất cả các xe buýt của ta hiện nay đều có sàn xe quá cao, người tàn tật không thể dễ dàng lên xe. Tân cho biết, đã mấy lần anh suýt ngã ở những bậc lên xuống xe. Người đi nạng còn cố gắng được, chứ người đi xe lăn thì chịu.

 

Thái độ của tài xế và phụ xe cũng rất khó chịu. Rất ít khi gặp hình ảnh phụ xe tươi cười giúp đỡ người tàn tật lên xe. Thậm chí họ còn quát tháo, giục giã khi thấy khách chậm chạp.

 

Cũng như Tân, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (ngụ tại 85A/23 Nguyễn Cư Trinh, Q.1) cũng bộc bạch rất ngại đi xe buýt. Chị nói có lần cùng hai cô bạn gái làm công tác từ thiện người Pháp đón tuyến xe đi từ đường Nguyễn Cư Trinh ra chợ Bình Tây. Khi thấy chị, xe buýt đầu tiên chạy chậm lại nhưng sau đó bất ngờ tăng tốc chạy thẳng. Đến chuyến thứ hai, cô tiếp viên thẳng thừng từ chối không cho lên xe.

 

Nhưng đó không phải là ấn tượng xấu duy nhất, có lần, chị Hằng cùng gia đình ra chợ Bến Thành đón xe đi Củ Chi thăm quan địa đạo liền bị tài xế, tiếp viên xe buýt từ chối không chở. Đến khi người nhà năn nỉ mãi, họ mới đồng ý cho lên xe với thỏa thuận tiền vé 2.000 đồng, thêm 2.000 đồng tiền chở xe lăn. Đến chuyến về, nhà xe tăng tiền tiền chở xe lăn 5.000 đồng.

 

Anh Vương Lai Thuận, một người khuyết tật sống tại Q.1, TPCHM, đã gửi một bức thư tới tòa soạn với lời lẽ bức xúc: “Tôi tình cờ bắt gặp cảnh một ông già tàn tật bị tài xế xe buýt  thẳng thừng từ chối phục vụ. Tôi như thấy số phận của mình trong đó. Đau lòng lắm!”.

 

Người tàn tật mỏi mòn chờ cùng “buýt”

 

Mấy năm gần đây, xe buýt đã trở thành phương tiện đi lại hữu ích của người dân thành phố. Khẩu hiệu “Nào ta cùng buýt” của ngành Giao thông công chính dần trở nên quen thuộc với người dân. Mới đây, TPHCM ban hành chủ trương miễn phí vé đi xe buýt cho người tàn tật và đã nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Chủ trương này được các chuyên gia trong ngành gọi là “giao thông tiếp cận”  tức là các phương tiện, thiết bị và cơ sở hạ tầng được thiết kế chuyên biệt nhằm thỏa mãn nhu cầu đi lại của những người tàn tật, giúp họ hòa nhập vào cộng đồng.

 

Thế nhưng, việc đầu tư sửa chữa, bổ sung điều kiện giao thông thuận lợi cho người tàn tật (vỉa hè, hệ thống trạm dừng, nhà chờ..) vẫn chưa thấy đâu.

 

Quan trọng nhất là các đối tượng phục vụ trên xe buýt (tài xế, phụ xe) vẫn chưa nhận thức sâu sắc về lối ứng xử nhân văn đối với người tàn tật.

 

Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông công chính, chủ trương miễn phí cho người tàn tật được phổ biến rộng rãi ở những tuyến trợ giá và kể cả không trợ giá. Thế nhưng, đối với những tuyến không trợ giá, chỉ có thể vận động nhà xe miễn phí vé cho người tàn tật chứ không thể bắt buộc họ như đối với doanh nghiệp được trợ giá. Từ những nguyên nhân trên khiến người tàn tật gặp phải sự phân biệt đối xử khi đi xe buýt.

 

Tuy vậy, không phải xe buýt nào cũng từ chối người tàn tật. Trong một bức thư gửi chúng tôi mới đây, chị Hằng khoe: “Một bác tài xế xe buýt thấy Hằng đi ngoài đường, liền dừng lại đỡ Hằng lên xe rồi chở về tận bến gần nhà mà không lấy đồng nào... Trên đời, vẫn có nhiều người tốt!”.

 

Thep Trần Duy - Mạnh Tân

Vietnamnet