1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Trường hợp nào được ra vào quận Gò Vấp?

Quốc Anh

(Dân trí) - Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, thông tin những trường hợp được ra vào làm việc khi quận bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ông lưu ý, người dân nên khai báo y tế trước ở nhà.

Trong 15 ngày kể từ 0h ngày 31/5, toàn TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15; riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 (ngày 31/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ.

Vậy, cụ thể đối tượng nào được phép ra vào quận Gò Vấp vào thời điểm này?

TPHCM: Trường hợp nào được ra vào quận Gò Vấp? - 1

Từ 0h ngày 31/5, quận Gò Vấp lập 10 chốt kiểm soát ra vào quận để phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Sáng 31/5, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, người dân được ra vào quận làm việc bình thường, đối với những lĩnh vực được cho phép theo hướng dẫn của Chính phủ trước đây.

"Người dân được ra vào quận làm việc nhưng phải khai báo y tế và nên khai báo trước ở nhà", ông Dũng nói.

Theo đó, người dân làm việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao được ra vào quận làm việc.

TPHCM: Trường hợp nào được ra vào quận Gò Vấp? - 2

Một người dân đi làm về lúc 0h30 ngày 31/5, trình bày với lực lượng chức năng để được về nhà cùng các con (Ảnh: Hải Long).

Ngoài ra, người dân vẫn được phép ra vào đi làm khi làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông; xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ quan kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giáo dục bảo đảm), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ…

Cũng liên quan đến thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố và phong tỏa những điểm nóng Covid-19, tối qua, lực lượng chức năng đã lập 10 chốt kiểm soát ra vào quận Gò Vấp tại các tuyến đường cửa ngõ gồm: Cầu thép An Phú Đông, cầu An Lộc, cầu Bến Phân, cầu Trường Đai, cầu Chợ Lớn, trước số 399 Tân Sơn, (phường 12), Phan Huy Ích, ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng; đường Lê Quang Định (phường 1); Phạm Văn Đồng - Công viên Hoàng Minh Giám.

Chỉ thị 16/CT-TTg quy định: Gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường.

Ngoài ra, người dân cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

TPHCM: Trường hợp nào được ra vào quận Gò Vấp? - 3

Cấm nhiều loại xe hoạt động Gò Vấp và Thạnh Lộc

Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, từ nay đến 14/5, tạm dừng vận chuyển hành khách tuyến cố định, xe buýt (các tuyến 03, 32, 58, 59 và 103), xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ), xe du lịch, xe trung chuyển hoạt động trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12).

Các xe được vào 2 khu vực này là xe công vụ, xe cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của doanh nghiệp, chuyên chở vật liệu sản xuất, hỗ trợ vận chuyển người dân trong trường hợp cấp thiết tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, các phương tiện giao thông đường bộ lưu thông từ các địa bàn khác qua địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 được phép lưu thông trên một số tuyến đường (nhưng không được phép dừng, đỗ và đón, trả khách).

Cụ thể, trên địa bàn quận Gò Vấp: đường Lê Đức Thọ, đường Thống Nhất, đường Quang Trung, đường Nguyễn Oanh, cầu An Phú Đông, đường Phan Huy Ích, đường Tân Sơn, đường Phạm Văn Bạch, đường Phan Văn Trị, đường Lê Quang Định, đường Nguyễn Thái Sơn, đường Nguyễn Kiệm, đường Hoàng Minh Giám, đường Bạch Đằng và đường Hồng Hà.

Trên địa bàn phường Thạnh Lộc: đường Hà Huy Giáp, cầu Phú Long, Quốc lộ 1.

 Trong khi đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết đã tạm dừng 6 tuyến buýt có trợ giá khác gồm: 50, 52, 86, 140, 16 và 57.  Riêng tuyến số 7 và 148, đầu bến tại quận Gò Vấp được điều chỉnh về đường Phổ Quang (quận Tân Bình).

Những tuyến xe khác lộ trình qua quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc vẫn được chạy, nhưng không dừng đón trả khách trên 18 tuyến đường và cầu tại hai khu vực này.

Đối với xe buýt không trợ giá, toàn bộ xe thuộc các tuyến từ TPHCM đi Long An, Đồng Nai, tuyến số 61-1 qua Bình Dương cũng đã được yêu cầu tạm ngưng. Các điều chỉnh này sẽ thực hiện đến khi có thông báo mới.