1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM trình Chính phủ dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54

Phương Nhi

(Dân trí) - Theo UBND TPHCM, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, thực tiễn đòi hỏi một nghị quyết mới thay thế. Theo đó, dự thảo nghị quyết mới đề xuất nhiều nhóm vấn đề.

UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM, thay thế Nghị quyết 54. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh TP gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

TPHCM trình Chính phủ dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 - 1

TPHCM trình Chính phủ dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 (Ảnh: H.L.).

Trong dự thảo Nghị quyết mới, về quản lý đầu tư, TPHCM đề xuất nhiều nội dung liên quan đến quy trình thủ tục đầu tư; cơ chế giao đất, cho thuê đất... lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ...; vấn đề thu hút đầu tư PPP trong lĩnh vực văn hóa thể thao...

Nguyên nhân bởi thành phố đang muốn xã hội hóa đầu tư nhưng trái với quy định tại Luật theo phương thức đối tác công tư; việc bố trí ngân sách đầu tư trung hạn từ nguồn vốn tăng thêm không nằm trong danh mục đầu tư trung hạn do Quốc hội phân bổ...

Về tài chính ngân sách, UBND TPHCM nhìn nhận đây là nội dung rất quan trọng để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố và tăng tính tự chủ cho thành phố trong việc phân bổ nguồn thu thuộc ngân sách địa phương.

Với nội dung này, điểm mới trong dự thảo là củng cố chức năng, vai trò và cơ chế hoạt động của Công ty tài chính nhà nước TPHCM (HFIC). Đây là định chế tài chính nhà nước của địa phương duy nhất ở nước ta được Bộ Chính trị chủ trương thành lập, nhưng thiếu cơ chế hoạt động để có thể phát huy vai trò, chức năng của một định chế tài chính.

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, ngoài giữ lại quy định liên quan chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha của Nghị quyết 54, TPHCM đề nghị bổ sung thêm nhiều nội dung như UBND TP được quyết định các nội dung liên quan xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà ở trên, ven kênh rạch...

Đồng thời, dự thảo còn nêu các đề xuất liên quan quản lý văn hóa xã hội và trật tự xã hội; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP Thủ Đức.

UBND TPHCM đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét, thống nhất những nội dung của dự thảo Nghị quyết, và Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, Nghị quyết 54 ban hành năm 2017 đã cụ thể hóa một số chủ trương của Bộ Chính trị về cơ chế chính sách thí điểm, nhằm tạo động lực phát triển cho TPHCM.

Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 54 đã đạt được một số kết quả, nhưng về cơ bản chưa đạt được mục tiêu đề ra, có những nội dung thực tế chưa khả thi...

Do đó, cần có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực, và tạo đà phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước.