TPHCM: Tranh chấp ở các chung cư đang là "điểm nóng"
(Dân trí) - Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, hiện có 16 chung cư là điểm nóng xảy ra khiếu nại, khiếu kiện giữa cư dân và chủ đầu tư, ban quản trị.
Sáng 7/7, kỳ họp thứ 6, HĐND TPHCM khóa X, bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, ông Trần Hoàng Quân (Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM) và ông Trần Thanh Tùng (Chủ tịch UBND quận 8) sẽ ngồi bàn chất vấn để trả lời các câu hỏi liên quan tới lĩnh vực hạ tầng, đô thị, nhà ở.
Đặt câu hỏi cho Sở Xây dựng, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đặt vấn đề, hiện nay, việc tranh chấp giữa ban quản trị và ban quản lý các tòa chung cư có dấu hiệu gia tăng. Sở Xây dựng có giải pháp gì để hạn chế sự xung đột về lợi ích, tránh phát sinh các điểm nóng, nguy cơ bất ổn an ninh trật tự.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, chia sẻ, vấn đề sử dụng nhà tái định cư là điều được thành phố rất quan tâm. Toàn địa bàn hiện có hơn 3.400 căn hộ, nền đất được phân bổ cho các quận, huyện TP Thủ Đức phục vụ công tác tái định cư khi thực hiện công trình chỉnh trang đô thị.
Những căn hộ, nền đất được thành phố phân bổ sau khi rà soát nhu cầu địa phương và tiến độ các dự án. Ngoài ra, thành phố cũng còn hơn 2.800 căn hộ, nền đất dùng để dự phòng, phục vụ tạm cư đối với người dân tại chung cư hỏng hoặc trong bối cảnh thiên tai, hỏa hoạn, làm bệnh viện dã chiến trong dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cũng thừa nhận, việc tranh chấp giữa ban quản trị, ban quản lý các nhà chung cư là vấn đề rất nóng hiện nay. Những khúc mắc chính giữa các bên hầu hết liên quan đến hợp đồng, điều kiện sống, chi phí vận hành, bảo trì.
"Theo thống kê của Sở Xây dựng, địa bàn có 16 chung cư là điểm nóng xảy ra khiếu nại, khiếu kiện giữa cư dân và chủ đầu tư, ban quản trị", ông Trần Hoàng Quân thông tin.
Để giải quyết vấn đề này, tháng 6/2022, Sở Xây dựng đã ban hành kế hoạch phối hợp cùng với các địa phương kiểm tra, rà soát tính pháp lý các dự án cũng như việc thực hiện giao kết giữa ban quản trị, ban quản lý, chủ đầu tư.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cũng trình bày chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030. Theo đó, thời gian qua, dù lĩnh vực phát triển nhà ở tại TPHCM đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, chưa đạt, đặc biệt đối với nhà ở xã hội.
Tại TPHCM, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, nhà ở phù hợp khả năng chi trả còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Một trong những nguyên nhân là nhà đầu tư chưa cảm thấy thu hút, việc đầu tư cho các loại hình nhà ở này có lợi nhuận thấp, thủ tục thực hiện dự án kéo dài.
Ngoài ra, TPHCM cũng thiếu hụt nguồn cung nhà ở cho thuê trong bối cảnh mỗi năm, địa phương thu hút khoảng 130.000 người về sinh sống, làm việc. Việc mất cân đối nguồn cung dẫn đến hệ lụy là một số khu nhà cho thuê không đảm bảo tiêu chuẩn, chật hẹp, thiếu an toàn…
Việc xây dựng chung cư cũ gặp nhiều trở ngại do khó khăn trong tìm kiếm quỹ nhà tạm cư, nguồn vốn sửa chữa, vướng mắc về cơ chế định giá, đấu giá phần diện tích nhà, đất do Nhà nước quản lý như cầu thang, hành lang, nhà xe.
Vấn đề di dời nhà trên và ven kênh rạch còn nhiều vướng mắc trong áp dụng bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa tạo được sự đồng thuận của người dân và chưa thu hút nhà đầu tư...