TPHCM: Trả lời khiếu nại cho người dân như... trả nợ
(Dân trí) - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng cơ quan chức năng trả lời đơn khiếu nại của người dân không đi vào cụ thể mà vẫn chung chung. Cơ quan chức năng gần như ra văn bản "trả nợ" cho việc tiếp nhận hồ sơ. Do đó, người dân không chấp nhận vì họ cần trả lời cụ thể là đúng hay sai và phải làm gì?
Nghi ngờ con số hơn 70% khiếu nại sai
Ngày 5/10, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên họp giải trình về tình hình giải quyết khiếu nại trên địa bàn thành phố.
Tại đây, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng nếu không tìm được mấu chốt vấn đề thì việc khiếu nại sẽ chưa có điểm dừng và thậm chí “tích tụ lại”.
Theo ông, cách trả lời của cơ quan chức năng không dựa trên cơ sở phối hợp xử lý mà đứng riêng để nói quan điểm riêng của mình. Trả lời đơn khiếu nại của người dân không đi vào cụ thể mà vẫn chỉ chung chung.
“Cơ quan chức năng gần như ra văn bản trả nợ cho việc tiếp nhận hồ sơ. Do đó, người dân không chấp nhận vì họ cần trả lời cụ thể là đúng hay sai và phải làm gì? ”, ông Khuê nói.
Đánh giá về báo cáo hơn 70% khiếu nại sai của Thanh tra Thành phố, ông Khuê phân tích, hiện nay, người dân đi khiếu nại, khiếu kiện thường liên hệ với các văn phòng luật sư để được tư vấn. Do đó, cơ quan chức năng đừng nghĩ đơn của công dân là “vụn vặt, lan man hay không trọng tâm”.
Ông Khuê đề nghị cần sàng lọc, xem lại trách nhiệm của cán bộ công chức, cơ quan chức năng trong việc giải quyết đơn khiếu nại của người dân, không thể có chuyện giải quyết xong dẫn đến tình trạng vượt cấp đồng thời, rà soát lại quy trình để giảm hồ sơ tồn đọng.
“Làm sao giảm dần khiếu nại và căng thẳng không cần thiết giữa cơ quan chức năng với người dân”, ông Khuê nhấn mạnh.
Cũng nghi ngờ về con số khiếu nại sai hơn 70%, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, có những vụ việc mà thành phố, thậm chí tòa án đều bác vì cho rằng không đúng như vụ Thủ Thiêm nhưng khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc kết luận đưa ra lại khác. Hiện thành phố đang phải giải quyết.
Từ đó, bà Tâm đề nghị kiểm chứng lại con số hơn 70% khiếu nại sai vì có thể không sát với thực tế.
Chủ tịch HĐND thành phố nhận định thực tế là cấp thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho người dân thiếu trách nhiệm. Do đó, họ tìm đến nơi khác tin tưởng hơn nhưng khi cơ quan chức năng nhận được đơn chuyển từ HĐND cũng giải quyết không thấu đáo.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các sở, ngành để giải quyết khiếu nại của dân thường rất lâu. Có những vụ việc kéo dài nhưng khi lãnh đạo thành phố tham gia giải quyết thì lại nhanh.
“Vậy khó khăn ở chỗ nào? Vì cứ liên quan đến nhiều sở ngành thì người dân ngán ngại”, bà Tâm đặt vấn đề.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố, việc giải quyết khiếu nại của người dân cần cầu thị, thậm chí phải đến tận nơi để đối thoại, xác minh thì mới hiểu hết bản chất vụ việc để giải quyết có tình, có lý.
“Không phải việc nào người dân bức xúc lãnh đạo thành phố cũng dành thời gian tiếp được vì còn bao nhiêu việc nữa. Thiệt thòi và quyền lợi của người dân rất lớn vì đáng lẽ việc đó cấp cơ sở giải quyết được”, bà Tâm nói.
"Thẩm quyền của mình mà cứ đi xin ý kiến khắp nơi"
Chủ tịch HĐND thành phố thừa nhận rằng có tình trạng người dân khiếu nại vấn đề thuộc thẩm quyền nhưng cán bộ né tránh bằng cách đi hỏi người khác, thậm chí hỏi vượt cấp lên các bộ ngành Trung ương, khiến thời gian xử lý kéo dài hàng tháng, hàng năm.
Ngay tại cuộc họp, bà Tâm dẫn chứng việc né tránh trách nhiệm của cán bộ bằng một tin nhắn mà người dân gửi vào số máy của bà: “Tôi và nhiều người dân nộp hồ sơ liên quan nhà đất tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận 9 nhưng liên tục bị trễ hẹn, bị gây khó dễ. Một chút xíu cũng ra văn bản xin ý kiến khắp nơi. Không biết do năng lực yếu kém hay có tiêu cực, sợ trách nhiệm. Đề nghị cho thanh tra, kiểm tra, xử lý…”.
Bà Quyết Tâm cho biết chưa kiểm chứng sự việc này là đúng hay sai song trong thực tiễn có nhiều vụ việc như thế này, nhiều đơn vị cũng xin ý kiến khắp nơi nhưng sau đó nhận văn bản trả lời là thẩm quyền xử lý của đơn vị mình, quận huyện mình.
“Vậy mà mình cũng gửi văn bản xin ý kiến, thậm chí nhiều sở ngành gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành có liên quan và nhận được câu trả lời là “giải quyết theo thẩm quyền”. Như vậy ở đây có sự né tránh trách nhiệm hoặc cán bộ không có năng lực xử lý vấn đề, không nắm rõ thẩm quyền của mình, không nắm rõ quy định pháp luật”, bà Tâm nhận định.
“Nếu không giải quyết chính đáng thì người dân mất niềm tin vào cơ quan công quyền. Họ biết tin vào đâu nữa?”, bà Quyết Tâm nói.
Trước ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Cách Mạng thừa nhận khi giải quyết khiếu nại tố cáo có những đơn vị, cán bộ yếu kém và thiếu trách nhiệm. “Họ đùn đẩy và đôi khi vụ lợi”, ông Mạng nói.
Kết thúc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp tục dẫn chứng một vụ việc mà bà chứng kiến để thấy những khó khăn, thiệt thòi của người dân khi đi khiếu nại, khiếu kiện.
Cụ thể, một hộ dân được đền bù mấy trăm triệu đồng nhưng do mâu thuẫn trong gia đình nên dẫn đến khiếu nại rồi kiện ra tòa. Hơn 3 năm tòa án không xử, còn quận thì đem số tiền gửi kho bạc và người dân không có đồng lãi nào. Khi được hỏi vì sao không trả tiền cho người dân thì địa phương trả lời rằng do đang kiện ra tòa. Người dân bức xúc gửi đơn khiếu nại lên HĐND thành phố.
“Khi HĐND thành phố mời các sở ngành lại họp, tòa án nói việc nào ra việc đó, tòa xử chậm tòa nhận khuyết điểm nhưng việc đền bù cho người dân thì vẫn phải đền bù. Một tuần sau, quận lên kho bạc rút tiền đưa cho người dân”, bà Tâm kể.
Từ đó, Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng cơ quan Nhà nước chậm giải quyết khiếu nại cho người dân ngày nào thì người dân thiệt hại ngày đó.
Quốc Anh