1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM: Tìm cách “cai” trợ giá xe buýt

(Dân trí) - Trung bình mỗi năm ngân sách thành phố chi trên 1.100 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, lượng hành khách đi xe buýt tại TPHCM ngày càng sụt giảm trong những năm gần đây. Điều đáng nói, nguyên nhân mấu chốt dẫn đến hệ quả này được cho là do phương thức trợ giá không phù hợp.

Trợ giá hơn nghìn tỷ, xe buýt vẫn ế khách

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP, từ năm 2013 đến nay khối lượng vận chuyển xe buýt có xu hướng giảm. Năm 2013 là 411 triệu lượt, năm 2014 là 367 triệu lượt và 2015 là 334,5 triệu lượt. Trong khi đó, giai đoạn này trung bình mỗi năm ngân sách thành phố phải chi hơn 1.100 tỷ đồng trợ giá xe buýt. Dự kiến, năm 2016 tiền trợ giá xe buýt là 1.017 tỷ đồng. Còn lượng hành khách ước tính giảm khoảng 11% so với năm 2015.

Mỗi năm ngân sách TP trợ giá xe buýt hơn nghìn tỷ đồng nhưng xe buýt vẫn ế khách
Mỗi năm ngân sách TP trợ giá xe buýt hơn nghìn tỷ đồng nhưng xe buýt vẫn ế khách

Hiện nay, nguyên nhân được lý giải cho thực trạng xe buýt “đói” khách là do đa số các phương tiện được đầu tư từ lâu nên xuống cấp làm giảm chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ không tốt của nhân viên, tài xế và xe buýt chạy không đúng giờ...

Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, cách thức tính trợ giá hiện nay khiến dễ phát sinh tiêu cực và giảm tính cạnh tranh trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ được cho là nguyên nhân mấu chốt.

GS.TS Nguyễn Thị Cành (Đại học Kinh tế - Luật TPHCM) đặt vấn đề: “Chính sách trợ cấp xe buýt của thành phố có thực sự hiệu quả?”. Hiện nay, kinh phí trợ giá được tính bằng tổng chi phí chuyến xe trừ đi doanh thu đặt hàng (hoặc đấu thầu). Bà Cành đề nghị cần xem xét lại hình thức trợ giá này và phải nhanh chóng thay đổi.

Theo bà Cành, nếu vẫn trợ giá cho doanh nghiệp để bù chi phí giá cao thì sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng thiếu công bằng với các doanh nghiệp không được nhận trợ giá.

“Trợ giá phải căn cứ vào kết quả đầu ra chứ không phải dựa vào chi phí đầu vào như đang thực hiện. Trợ giá cho hành khách chứ không phải trợ giá cho doanh nghiệp”, bà Cành nói và cho rằng về lâu dài cần trợ giá trực tiếp cho hành khách thông qua thẻ thông minh. Biện pháp này sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải về chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách.

Trong khi đó, PGS - TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường ĐH GTVT cơ sở II, cho rằng sử dụng thẻ thông minh là điều kiện tiên quyết để thành phố áp dụng phương pháp trợ giá theo sản lượng hành khách, thay vì theo định mức khoán như hiện nay.

TS Hằng cho rằng, việc bán vé thu tiền trực tiếp, rà soát vé bằng mắt thường như hiện nay dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình bán vé, khó kiểm soát doanh thu và không thống kê chính xác lượng khách đi trên tuyến.

Tại buổi làm việc với Sở GTVT TP mới đây, các đại biểu Ban Kinh tế và ngân sách HĐND TPHCM cho rằng việc trợ giá cho xe buýt là cần thiết và phải tiếp tục nhưng phải đánh giá được hiệu quả ra sao, đặc biệt là trong tình hình ngân sách TP đang bị cắt giảm.

Chỉ trông mong vào thẻ thông minh liệu có đủ?

Ông Lê Hoàng Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT TP - cho biết hiện nay nhiều người đặt câu hỏi trợ giá xe buýt có hiệu quả không? Nhưng nếu không trợ giá thì vé xe buýt không rẻ. Hiện nay TP trợ giá cho hành khách thông qua giá vé. Trong năm 2016, tiền ngân sách trợ giá vé xe buýt chiếm 41,18%, trên 50% chi phí còn lại các doanh nghiệp xe buýt thu từ việc bán vé. “Nếu không trợ giá, một vé xe buýt từ sân bay về trung tâm thành phố là 20.000 đồng, liệu người dân có đi xe buýt nữa không?”, ông Minh nói.

Năm 2016, TPHCM thay mới 600 xe buýt
Năm 2016, TPHCM thay mới 600 xe buýt

Ông Minh cho biết, quan điểm trợ giá hiện nay là trên cơ sở thanh toán chi phí cho một chuyến xe 100%. Trong đó, 1 phần là doanh thu bán vé của doanh nghiệp, phần thiếu còn lại thì ngân sách bù vào chính là trợ giá.

“Hiện nay chi phí chuyến xe cũng không đạt được 100%. Mình chưa có phương pháp tính số liệu chính xác mà chỉ kiểm soát bằng thủ công. Kiểm tra số khách ở đầu bến rồi xem qua camera, sau đó người ta báo sản lượng vé bán ra khi xe về bến. Thực sự thì con số này không chính xác. Chỉ khi nào có thẻ thông minh thì mới kiểm soát được”, ông Minh phân trần.

Vị Phó Giám đốc Sở GTVT TP cũng cho biết hiện Sở đang chuẩn bị hồ sơ đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp thẻ thông minh. TP đã giao cho Sở thực hiện đề án cơ chế tài chính sử dụng thẻ thông minh. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tính cơ chế trợ giá như thế nào để phát huy hiệu quả của thẻ thông minh. Còn trong điều kiện hiện nay thì Sở đang cố gắng sử dụng chi phí trợ giá hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến xe buýt không thu hút nhiều hành khách đó chính là việc phân luồng, tuyến chưa phù hợp. TP có 147 tuyến xe buýt nhưng có nhiều tuyến sản lượng khách rất ít khiến chi phí trợ giá tăng cao. Ông Minh cũng thừa nhận điểm yếu kém của ngành giao thông thời gian qua là tổ chức luồng, tuyến chưa xong.

“Quy hoạch cũ làm từ năm 2009 và đáng lẽ 2013 được phê duyệt nhưng không được nên kéo dài đến nay. Chi phí để thuê tư vấn làm tiếp cũng không có. Và Sở đã mạnh dạn đề xuất xin ngưng để làm quy hoạch mới cho đúng. Một trong những nội dung xây dựng quy hoạch mới là trên nền phát triển của metro và xe buýt nhanh. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành vào năm sau”, ông Minh nói.

Ông Minh cũng cho biết thêm, dự kiến, trong năm nay sẽ thay mới 600 xe buýt và hứa hẹn thu hút thêm khách. Trong thời gian tới Sở sẽ tìm nguồn bù vào chi phí trợ giá xe buýt từ quảng cáo. Thời gian qua, 170 xe được quảng cáo và thu về 14 tỷ đồng. Theo tính toán, nếu làm đại trà thì có thể thu về từ 150-180 tỷ đồng.

“Ngành giao thông đặt mục tiêu đến năm 2020, sản lượng hành khách đi xe buýt tăng gấp đôi hiện nay. Nếu lượng hành khách tăng lên thì doanh thu doanh nghiệp tăng lên và trợ giá sẽ giảm đi”, ông Minh cho biết.

Tuy nhiên, để chờ đến lúc “lượng hành khách tăng lên...” thì bầu sữa ngân sách TP phải tiếp tục “nuôi dưỡng” xe buýt.

Quốc Anh