1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Thu hút nhân tài như... “tay không bắt giặc”!

(Dân trí) - Để thu hút nhân tài, TPHCM tuyên bố sẽ hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng cho chuyên gia, nhà khoa học khi được tuyển chọn. Song nhiều ý kiến lo ngại đề án khó khả thi vì cách tuyển chọn như thể “tay không bắt giặc”, “ăn sẵn”; chế độ “cào bằng”; cơ chế còn ràng buộc.

Ngày 5/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TPHCM giai đoạn 2018-2022.

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - kỹ thuật TPHCM - nhấn mạnh môi trường làm việc hạn chế sự ràng buộc đối với các nhà khoa học là hết sức quan trọng
GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - kỹ thuật TPHCM - nhấn mạnh môi trường làm việc hạn chế sự ràng buộc đối với các nhà khoa học là hết sức quan trọng

Góp ý cho đề án, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - kỹ thuật TPHCM – cho rằng vấn đề quan trọng nhất là tạo môi trường làm việc, hạn chế sự ràng buộc đối với các nhà khoa học, chuyên gia và cần cân nhắc tính toán hợp lý.

“Thu hút nhân tài thì mình cần người ta chứ không phải người ta cần mình. Phải biết người ta cần gì, làm việc cho ta thì họ được cái gì? Thu hút nghĩa là có sự thương lượng, tìm tiếng nói chung giữa cái ta cần và cái người ta có chứ không thể bằng tuyên truyền kiểu “tay không bắt giặc” được”, GS Giao nói.

Cũng theo GS Giao, thống kê cho thấy trí thức Việt kiều phần đông vào làm cho doanh nghiệp, kế đến là trường Đại học, gần như không ai vào cơ quan Nhà nước. “Lâu nay chúng ta hay nói trải thảm đỏ mời người tài, nhưng thực tế nhiều lúc, nhiều nơi bên dưới thảm đỏ lại có đầy đinh. Và chính các thủ tục hành chính của ta cũng là những cây đinh đáng sợ”, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao cảnh báo.

PGS.TS Đặng Văn Phan cho rằng tiêu chí và chế độ tuyển dụng của đề án chưa đủ sức hấp dẫn chuyên gia, nhà khoa học
PGS.TS Đặng Văn Phan cho rằng tiêu chí và chế độ tuyển dụng của đề án chưa đủ sức hấp dẫn chuyên gia, nhà khoa học

Trong khi đó, PGS.TS Đặng Văn Phan cho rằng việc thu hút nhân tài vào làm việc cho các đơn vị của thành phố là cần thiết, song ở góc độ nào đó là “ăn sẵn”. Ngoài ra, với hàng loạt tiêu chí xét tuyển, thực tế nếu được tuyển chọn thì phần lớn người tài đạt đến tuổi trung niên và đang trên đường già.

“Những người này chắc chắn đã có công ăn việc làm ổn định, được cơ sở nào đó đào tạo. Muốn mời những người này bỏ nơi đang hoạt động thì thành phố phải có lực hấp dẫn cực mạnh và có khi phải trả chi phí cho các cơ sở đào tạo đó. Vậy thành phố đã có quy chế này hay chưa?”, ông Phan đặt vấn đề.

Cũng theo ông Phan, đề án quy định hợp đồng lao động tối đa không quá 18 tháng chỉ phù hợp cho việc làm hành chính, sự vụ chứ không phù hợp với công tác nghiên cứu khoa học, làm đề tài khoa học không thể trong 1,5 năm mà hoàn thành.

Trong khi đó, ông Đoàn Kim Thành – Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ TPHCM – đề xuất thành phố nên giao quyền chủ động cho các đơn vị có nhu cầu. TP chỉ cần có khung chung, trên cơ sở đó các đơn vị thực hiện trong khuôn khổ quy định. Việc lập hội đồng cấp thành phố để tuyển dụng nhân sự cho một đơn vị là không cần thiết.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM cho rằng nên giao quyền tự chủ về tuyển dụng và chi thu nhập cho các đơn vị
PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM cho rằng nên giao quyền tự chủ về tuyển dụng và chi thu nhập cho các đơn vị

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM – cho rằng trước đây cơ chế chi trả cho các nhà khoa học bị dính các khung quy định.

“Đôi khi nhà khoa học lên báo cáo thì bắt ký nhiều giấy tờ. Bởi vì bị ràng buộc về cơ chế. Bây giờ phải làm sao tinh gọn thủ tục và tạo thẩm quyền cho cơ sở quyết định nhiều hơn ở phần chi cho các nhà khoa học”, ông Ngân nói.

TS Ngân đề nghị trước hết đề án cần làm rõ cơ chế chính sách hiện tại đang dành cho các chuyên gia, nhà khoa học trong nước thỏa được sự cống hiến, mong đợi không? Và ông khẳng định chắc là không. “Chúng ta mời các nhà khoa học nước ngoài về đây và không khéo người ta nhìn hiện tại mà nghĩ về tương lai”, ông Ngân băn khoăn.

Theo Giám đốc Học viện cán bộ TP, các nhà khoa học cũng cần tài chính nhưng quan trọng nhất là tạo ra môi trường để họ tự do cống hiến.

Bên cạnh đó, TS Ngân cho rằng khâu tuyển dụng hãy giao cho cơ sở quyết định và đưa đề nghị lên trên thành phố để thẩm định lại chứ không cần lập ra các hội đồng ở trên. Phải để cơ sở tự quyết định cơ chế chi thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học trong khuôn khổ “trần” quy định.

Ngoài ra, TS Ngân đề nghị lãnh đạo thành phố phải làm sao tạo ra đề án, đề bài cụ thể để nhà khoa học có thể tham gia và nên quyết định cơ chế khoán.

“Ta chi đề tài đó bao nhiêu tỷ, khi đề tài đó đi vào hoạt động thì họ được thụ hưởng trên cái mức của đề tài còn hơn quy định mức lương bao nhiêu, đi làm hành chính 8 tiếng mỗi ngày. Chính việc này sẽ bó buộc các nhà khoa học, chuyên gia”, ông Ngân đề xuất.

GS.TS Phan Thị Tươi đề xuất thành phố nên đưa ra đầu bài và đặt hàng chuyên gia, nhà khoa học thay vì tuyển kiểu công chức
GS.TS Phan Thị Tươi đề xuất thành phố nên đưa ra đầu bài và đặt hàng chuyên gia, nhà khoa học thay vì tuyển kiểu công chức

Đồng quan điểm, GS.TS Phan Thị Tươi (nguyên hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TPHCM) đề nghị thành phố thu hút chuyên gia nhà khoa học theo hướng đặt ra những đề tài, dự án nghiên cứu mà thành phố cần. Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tham gia thuyết trình và thành phố tuyển chọn theo kiểu “đấu thầu”.

Sau khi kết thúc dự án thì phần các chuyên gia nhà khoa học được hưởng là một tỷ lệ nào đó từ kinh phí dự án theo quy định ở công trình dự án. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án cần phải hỗ trợ chỗ ở, kinh phí cho chuyên gia, nhà khoa học đi lại, sinh hoạt...

“Chúng ta không nên tuyển theo kiểu công chức. Bởi người được tuyển khi đặt đề bài họ cũng không phải là người quyết định, khi về làm họ không được chủ trì. Họ cùng tham gia với đội ngũ công chức của chúng ta thì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra trong quá trình làm việc, rất là rắc rối”, GS Tươi nói.

Quốc Anh