TPHCM thống nhất đề nghị công nhận Thạnh An là xã đảo
(Dân trí) - Sau nhiều năm tranh chấp với tỉnh Đồng Nai, cù lao Gò Gia trên xã Thạnh An được Chính phủ công nhận thuộc TPHCM.
Kỳ họp lần thứ 22 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TPHCM khóa IX diễn ra ngày 10/11 đã thông qua nghị quyết về đề nghị công nhận xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là xã đảo. Sau khi có nghị quyết, UBND TPHCM sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, năm 2014, HĐND TPHCM đã có nghị quyết về thông qua đề nghị công nhận xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là xã đảo.
Tuy nhiên, sau khi thẩm định hồ sơ của TPHCM, năm 2015, Bộ Nội vụ trả lời rằng sau khi kiểm tra hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa TPHCM và Đồng Nai do lịch sử để lại, khu vực cù lao Gò Gia giáp ranh giữa xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM với xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đang trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Vì vậy, sau khi giải quyết xong khu vực tranh chấp giữa 2 địa phương, Bộ Nội vụ sẽ thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận xã đảo của TPHCM và trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Đến ngày 11/6/2020, việc giải quyết tranh chấp khu vực cù lao Gò Gia đã chính thức được Chính phủ giải quyết xong và được công nhận thuộc TPHCM.
Theo UBND TPHCM, xã Thạnh An bảo đảm các tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 569/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, điều kiện, thủ tục công nhận xã đảo.
Xã Thạnh An có địa hình trũng thấp thường xuyên bị ngập triều, mật độ dân cư cao, không có khả năng mở rộng diện tích đất ở, trên 5% dân cư có thu nhập thuộc diện hộ nghèo, dân cư phần lớn ở nhà có chất lượng thấp. Hệ thống hạ tầng thiếu và yếu kém.
Thạnh An là xã thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do mưa bão, áp thấp nhiệt đới và triều cường gây ra và cũng là vùng khó khăn, khó có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội về trước mắt và lâu dài... Nơi đây được xem là vùng đặc biệt khó khăn của TPHCM.
Thạnh An có diện tích tự nhiên hơn 13.131ha là đảo (có cù lao Phú Lợi trên cửa biển Cần Giờ có diện tích 33ha). Đây là nơi sinh sống của 1.131 hộ dân với 4.512 nhân khẩu.
Thạnh An là đối tượng đảm bảo đủ 2/2 tiêu chí và 2/3 điều kiện, đảm bảo quy định tại Quyết định số 569/QĐ-TTg.
Phát biểu tại kỳ họp, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho biết, trước đây HĐND TPHCM đã thông qua nhưng chồng lấn ranh với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, sau được Chính phủ giải quyết xong.
Theo bà Nhung, nếu được công nhận, với chế độ xã đảo quyền lợi của người dân sẽ được thực hiện tốt nhất.
Trong khi đó, đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm cho biết, xã Thạnh An chỉ có mấy km đường, người dân chủ yếu đi bộ, xe máy. Theo bà, sau này việc đi lại cần thân thiện môi trường. Cần Giờ sẽ xây dựng xã xanh, sạch, giảm thiểu tối đa sử dụng túi ni lông.
Năm qua, 80% người dân ở xã không sử dụng túi ni lông. Hàng ngày, rác thải được gom chở bằng ghe vào đất liền để đưa đi xử lý.
"Được công nhận xã đảo sẽ có cơ chế riêng, địa phương sẽ có điều kiện xây dựng xã xanh, sạch, đẹp. Thành phố đề nghị từ năm 2014 nhưng vướng tranh chấp với Đồng Nai. Công sức 6 năm đã thành công", đại biểu Cẩm nói.
Vay hơn 2.378 tỷ đồng để cải thiện môi trường nước
Kỳ họp thứ 22 cũng thông qua nghị quyết về huy động vốn để đầu tư dự án "cải thiện môi trường nước TPHCM, lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2", theo phương án vay lại nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ (khoản vay lần 4).
Dự án bao gồm 6 gói thầu xây lắp chính và 2 gói thầu tư vấn nước ngoài với tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 11.280 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA là hơn 9.800 tỷ đồng, vốn đối ứng là hơn 1.450 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa nhằm chống ngập úng và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của thành phố và vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Đồng thời, dự án sẽ cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Dự án được Thủ tướng cho phép đầu tư năm 2005, UBND TP phê duyệt đầu tư vào năm 2006 và triển khai từ năm 2010. Dự kiến, dự án hoàn thành năm 2014, tuy nhiên do gặp khó khăn nên sau đó TPHCM quyết định điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án là tháng 6/2022. Giá trị hoàn thành cuối cùng dự kiến là gần 8.880 tỷ đồng.
Khoản vay lần 4 là khoản vay cuối cùng của dự án, cơ chế tài chính là UBND TPHCM vay lại 100% vốn vay nước ngoài của Chính phủ và giá trị khoản vay là 10.813 triệu Yên Nhật (tương đương hơn 2.378 tỷ đồng). Thời gian vay là 30 năm.
Theo tờ trình, UBND TPHCM đủ điều kiện vay lại cho dự án theo quy định. Mức dư nợ của TPHCM đảm bảo trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Tại kỳ họp, đại biểu Trương Lâm Danh cho biết, người dân than phiền vì dự án thi công chậm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại. Ông đề nghị cần kiểm tra tiến độ dự án, công nghệ và giai đoạn cuối cần làm nhanh hơn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, dự án chia làm 4 hiệp định vay. Nay dự án trải qua 8 năm, đã sử dụng 3 khoản vay và đây là khoản cuối cùng. Nếu không vay tiếp tục làm thì không thể kết thúc dự án. Theo ông, Trung ương cũng đồng thuận để ký hiệp định vay cuối cùng này.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong khoảng 2-3 năm nay công việc nhanh hơn giai đoạn đầu, bởi trước đó khâu thiết kế, đấu thầu, chuẩn bị mặt bằng chậm. Dự án hoàn thành sẽ cải thiện được môi trường nước trên kênh và giải quyết ngập khu vực lân cận.
"Khi làm đường 2 bên kênh nhỏ, quây lại lâu, xử lý bùn cũng phức tạp nên ảnh hưởng đi lại của người dân, nhất là khu vực dự án. Thời gian tới sẽ tập trung xử lý dứt điểm, làm nhanh. Thành phố cũng kiểm tra đảm bảo đúng quy định", ông Hoan nói.