1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM thay đổi thế nào khi triển khai chính quyền đô thị?

Tùng Nguyên Quốc Anh

(Dân trí) - Thay đổi lớn nhất khi TPHCM triển khai chính quyền đô thị là ở các cấp quận và phường không còn tổ chức HĐND, giúp bộ máy chính quyền tinh giản và linh hoạt hơn.

Không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường

Hơn 10 năm nay, TPHCM đã đeo đuổi đề xuất thực hiện đề án chính quyền đô thị. Và sáng 16/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chính quyền đô thị TPHCM. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện từ ngày 1/7/2021.

TPHCM thay đổi thế nào khi triển khai chính quyền đô thị? - 1
"Siêu đô thị" TPHCM đã có 1 cơ chế quản lý mới phù hợp và linh hoạt hơn

Nội dung chính của đề án chính quyền đô thị là tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương tại TPHCM. Cụ thể, khi thực hiện chính quyền đô thị thì chính quyền địa phương tại TPHCM sẽ có 2 mô hình.

Thứ nhất, tổ chức chính quyền địa phương tại thành phố thuộc TPHCM (sắp tới là TP Thủ Đức), huyện, xã, thị trấn gồm có HĐND và UBND. Đây là mô hình quen thuộc đang thực hiện.

Khi đề án chính quyền đô thị chính thức triển khai từ ngày 1/7/2021, mô hình này chỉ còn ở địa bàn các xã – thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành của TPHCM (Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi).

Thứ hai, tổ chức chính quyền địa phương ở quận và phường là UBND quận và UBND phường, không có tổ chức HĐND. Khi các HĐND cấp quận và phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2021 thì sẽ không tổ chức lại cơ cấu này.

Về cơ chế làm việc tại các cấp chính quyền không tổ chức HĐND, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết: “Nơi không tổ chức HĐND thì cơ quan hành chính Nhà nước làm việc chế độ thủ trưởng. Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường là quyết định tuyển dụng công chức từ cấp quận trở lên”.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM có quyền bổ nhiệm, cách chức các chức danh lãnh đạo UBND quận mà không cần thông qua HĐND quận như trước. Tương tự, Chủ tịch UBND quận cũng có quyền bổ nhiệm, cách chức các chức danh lãnh đạo UBND phường mà không cần thông qua HĐND phường.

Theo UBND TPHCM, việc tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là cấp thiết để có một bộ máy tinh gọn, linh hoạt nhằm quản lý tốt một thành phố với quy mô dân số và mật độ dân cư cao nhất cả nước (theo thống kê năm 2020, TPHCM có 9 triệu dân, trên thực tế có trên 10 triệu người đang sinh sống tại đây).

Chỉ riêng việc không tổ chức HĐND ở 19 quận và HĐND ở các phường thuộc 19 quận trên đã giúp bộ máy TP tinh giản hàng trăm vị trí cán bộ chuyên trách và mỗi nhiệm kỳ 5 năm tiết kiệm cả ngàn tỷ đồng chi phí nhân sự và tổ chức hoạt động của các đơn vị này.

Đảm bảo quyền làm chủ của người dân thế nào?

Vấn đề gây tranh cãi lớn nhất ở đề án này là việc bỏ cơ cấu HĐND, cơ cấu đại diện cho nhân dân tại cấp quận và cấp phường làm giảm quyền làm chủ của nhân dân.

Để đảm bảo việc thực hiện quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân, đề án chính quyền đô thị cũng nêu rõ: “Khi không tổ chức HĐND quận, phường, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND Thành phố, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP, cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp…”.

Đặc biệt, trong tổ chức bộ máy làm việc mới, sự phản ánh của khu phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư là rất quan trọng để đảm bảo quyền đại diện của người dân.

UBND các phường cũng sẽ tăng cường công tác giao ban với Trưởng khu phố; UBND quận giao ban với UBND phường để kịp thời nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng của người dân.

TPHCM thay đổi thế nào khi triển khai chính quyền đô thị? - 2
Người dân vẫn phát huy quyền làm chủ thông qua các kiến nghị, góp ý trong các buổi tiếp xúc cử tri cũng như qua khu phố

TP cũng xây dựng các quy định nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính quyền, như: phân công thành viên UBND tham gia các cuộc họp của khu phố; qua hộp thư góp ý hoặc sổ góp ý...

Khi không tổ chức HĐND phường, một số việc quan trọng, UBND phường thông qua khu phố và MTTQ Việt Nam để nhân dân tham gia ý kiến trước khi quyết định; lập sổ theo dõi phản ánh, kiến nghị của các Trưởng khu phố để kịp thời giải quyết.

Đồng thời, TPHCM cũng có cơ chế để tăng cường công tác giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước của các tổ chức Đảng, cấp ủy cùng cấp, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp.

Đặc biệt, chức năng giám sát của MTTQ sẽ được bổ sung và cụ thể hóa hơn nữa vào quy chế phối hợp giữa các tổ chức UBND, HĐND và MTTQ. Khi MTTQ các cấp giám sát có sự tham dự của đại biểu HĐND TP, phát huy vai trò chủ động giám sát của MTTQ và theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, trả lời của các đơn vị quản lý nhà nước.