TPHCM tái lập các chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đồng ý tái lập các chốt kiểm soát giao thông để phòng, chống dịch Covid-19 như từng thực hiện vào đầu tháng 4 năm nay.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM diễn ra chiều 3/8, ông Hứa Quốc Hưng - Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP (Hepza) - cho biết, các doanh nghiệp tiến hành thống kê người lao động, chuyên gia đi đến từ vùng dịch và những nơi theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Sau đó danh sách được chuyển về địa phương đăng ký thường trú, tạm trú để nắm tình hình và tiến hành các biện pháp giám sát, kiểm tra y tế theo quy định.
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP - cho biết hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường.
Ban Quản lý cũng đã thông báo và yêu cầu các doanh nghiệp không chủ quan và chủ động trong phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, tiến hành áp dụng các bộ tiêu chí của Thành phố và Bộ Y tế đã ban hành để đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều phải báo cáo tình hình nhân sự đi đến các địa phương có dịch trong thời gian gần đây để thông tin đến địa phương theo dõi.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP - cho biết, mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch như khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn đảm bảo cung cấp cho người dân.
Theo ông Đông, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có khả năng cung ứng 21 triệu khẩn trang vải và gần 10 triệu khẩu trang y tế và trên 2 triệu chai nước rửa tay kháng khuẩn trong tháng 8.
Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu khác cũng triển khai phân phối trên hệ thống bán lẻ với trên 3.000 điểm.
"Hàng dồi dào và chưa có tình trạng người dân mua hàng tích trữ làm tăng giá đột biến. Qua kiểm tra cũng chưa có tình trạng gom hàng, tích trữ khẩu trang trong thời gian qua, nhất là chợ thuốc quận 10", ông Đông nói.
Tại cuộc họp, thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TP - cho biết đã có dự thảo về phương án lập chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19.
So với phương án đã triển khai đợt trước thì lần này 14 chốt cấp thành phố giảm 2 chốt, trong khi đó, chốt thuộc quận, huyện thì tăng 14 chốt.
Theo ông Tài, sở dĩ tăng số chốt thuộc địa phương quản lý là để tăng cường trách nhiệm, vai trò của cơ sở trong phòng, chống dịch.
"Phương án lần này ngoài kiểm soát giao thông thì cũng tăng cường cảnh báo cho người dân có trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch", ông Tài nói.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đồng ý với đề xuất của Công an TP về việc tái lập chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố.
Để phòng chống dịch Covid-19, hồi đầu tháng 4, TPHCM quyết định thành lập 62 chốt, trạm kiểm dịch để thực hiện kiểm soát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra, vào thành phố, bến tàu, bến xe, nhà ga nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra, vào thành phố, bao gồm 16 chốt, trạm chính và 46 chốt, trạm phụ.
Công an thành phố phối hợp với Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện việc kiểm soát tại 16 chốt, trạm chính (cấp thành phố); Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận, huyện tổ chức lực lượng thực hiện việc kiểm soát 46 chốt, trạm phụ (cấp quận, huyện).
Tại cuộc họp, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đề nghị ngành giao thông thực hiện nghiêm các quy định an toàn trong vận chuyển hành khách. Tình hình hiện nay, thành phố chưa đến mức phải giảm tần suất phương tiện giao thông.
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp đưa tin không đúng, sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 gây hoang mang dư luận.
Ông Phong giao Sở Công Thương chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, nhất là nước rửa tay kháng khuẩn, khẩu trang, đồng thời cần có đoàn kiểm tra việc đầu cơ, nâng giá hàng.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý việc áp dụng các bộ tiêu chí để đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh mà trước đây Thành phố đã ban hành.
"Tình hình dịch bệnh dự báo còn phức tạp nên không được lơ là, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phát triển sản xuất vừa phòng, chống dịch hiệu quả", ông Phong nói.
Đồng thời, các sở, ngành và quận, huyện phải xác định chống dịch còn dài, sống chung với dịch để có cách chỉ đạo, điều hành phù hợp với từng thời điểm.