1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM sẽ xây 42 công viên dọc bờ sông Sài Gòn

Q.Huy

(Dân trí) - TPHCM dự kiến xây dựng 42 công viên dọc hành lang sông Sài Gòn để tạo hạ tầng đa chức năng. Quỹ đất hành lang sông cũng được xem xét để chuyển đổi sang đất dịch vụ, thương mại, du lịch.

UBND TPHCM vừa có báo cáo tổng kết đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, giai đoạn 2020-2045. Đến nay, thành phố đã hoàn thiện việc rà soát, nghiên cứu định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển sông Sài Gòn để hình thành hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng, hoàn thành 80% khối lượng công việc giai đoạn 2021-2025.

Giai đoạn 2025-2030, TPHCM sẽ tập trung tổng hợp rà soát quỹ đất dọc hành lang sông và đề xuất phương án tạo quỹ đất, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. 

TPHCM sẽ xây 42 công viên dọc bờ sông Sài Gòn - 1

Bờ sông Sài Gòn đoạn qua phường Thảo Điền, TP Thủ Đức (Ảnh: I.T).

Từ nay đến năm 2045, TPHCM dự kiến xây dựng 42 công viên dọc hành lang sông Sài Gòn để tạo hạ tầng đa chức năng, phát triển kinh tế dịch vụ, tăng chất lượng cảnh quan và đa dạng sinh học. Quỹ đất dọc hành lang bờ sông sẽ được thành phố đề xuất chuyển đổi sang chức năng dịch vụ, thương mại, phục vụ du lịch để khai thác hiệu quả và tạo nguồn lực.

Các vị trí được nghiên cứu xây dựng chuỗi công viên dọc sông Sài Gòn thuộc 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh, TP Thủ Đức.

Thời gian tới, TPHCM cũng định hướng đầu tư các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xanh (công viên, kè bảo vệ bờ sông và bến thủy nội địa) theo nguyên tắc và phân kỳ, phân đoạn, phân vùng không gian, gắn với các dự án giao thông, hạ tầng đô thị.

Về mặt chính sách, Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông Vận tải) tổ chức nhiều chuyến khảo sát bờ sông của các đoàn chuyên gia trong nước, quốc tế để nghiên cứu đề xuất ý tưởng thiết kế quy hoạch. Các đơn vị cũng nghiên cứu, đề xuất các nguyên tắc, giải pháp đầu tư dự án, đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư có năng lực.

UBND TPHCM nhận định, hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch đóng vai trò thiết yếu trong quá trình hình thành và phát triển đô thị. Hành lang cảnh quan sông rạch trên địa bàn chứa đựng giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, gắn với lịch sử phát triển của một đô thị mang tầm vóc quốc tế và có nhiều lợi thế để khai thác giao thông đường thủy khu vực và quốc tế.