1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM sẽ tiếp tục bị dư chấn động đất

Dự báo của Viện Vật lý địa cầu, các tỉnh ven biển từ Bình Thuận đến TPHCM trong vài ngày tới sẽ xảy ra những cơn dư chấn có cường độ 4,5-5 độ richter, tương tự như những chấn động diễn ra đêm 28/11.

>> TPHCM, Vũng Tàu động đất lúc nửa đêm

 

Theo Phó Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Đình Xuyên, những khu vực nào tại TPHCM từng chao đảo đêm 28/11, sẽ tiếp tục bị tái diễn tình trạng này với cường độ nhẹ, không gây nguy hiểm.

 

Đến chiều nay, tọa độ của trận động đất đêm qua vẫn chưa được xác định chính xác. Theo ông Xuyên, phải mất ít nhất 2 ngày thu thập nguồn dữ liệu động đất từ các nơi để phân tích. Nhiều khả năng, cơn địa chấn mới có thể xảy ra trên cùng đới đứt gẫy gây trận động đất hồi tháng 8/2005.  

 

Cụ thể, đó là đới đứt gẫy giới hạn vùng trũng Cửu Long, cách bờ biển Phan Thiết và Vũng Tàu khoảng 50-100 km. Nếu căn cứ theo giả thuyết này, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận là nơi bị tác động mạnh nhất vì địa chất vùng này có vô số đứt gẫy nhiều chiều. 

 

Xác định ban đầu, cơn động đất tối 28/11 có cường độ dưới 5 độ richter, ông Xuyên cho rằng, không gây tác động đến những công trình cao tầng tại TPHCM, kể cả các tòa chung cư cũ, thậm chí xuống cấp. Về nguyên tắc, động đất cấp 6 trở lên mới bắt đầu ảnh hưởng đến các công trình xây dựng.

 

Từ năm 2005 đến nay, hàng loạt trận động đất đã xảy ra tại TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Nam Trung bộ gây hoảng loạn trong dân cư. Trước đó, trong vòng gần một thế kỷ, khu vực này không ghi nhận được bất kỳ cơn địa chấn nào. 

 

TPHCM sẽ tiếp tục bị dư chấn động đất - 1

Cơn động đất tháng 11/2005 khiến nhiều nhà cao tầng TPHCM rung rinh, khiến nhiều người dân hoảng loạn.

 

Nghiên cứu của ông Lê Từ Sơn, Trưởng phòng quan sát động đất Viện Vật lý địa cầu, trận động đất diễn ra hồi tháng 8/2005, kéo dài trong năm 2006 xảy ra đới đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải, trên vùng biển Phan Thiết - Vũng Tàu. Nguyên nhân xảy ra động đất được xác định là do đới đứt gãy vào chu kỳ trở mình hoạt động và gây các cơn dư chấn liên tục sau đó.

 

Đây là đới đứt gãy đã từng xuất hiện động đất dạng chuỗi trong năm 1877 và phun trào núi lửa Hòn Tro năm 1923. Theo ông Sơn, điều này cho thấy mối liên quan giữa chuỗi động đất và hoạt động của magma trong khu vực. Ông Sơn cho rằng, cần khảo sát lại địa chất của khu vực Phan Thiết - Vũng Tàu để làm cơ sở đánh giá nguy hiểm động đất cho cả miền Nam và Nam Trung Bộ.

 

Hiện nay các tỉnh phía Nam vẫn chưa có trạm quan trắc địa chất, sóng thần để đo và cảnh báo sớm cơn động đất. Từ sau các trận động đất hồi năm 2005, Viện Vật lý địa cầu đã xúc tiến xây dựng các trạm quan trắc về động đất và sóng thần cho khu vực phía Nam. Tuy nhiên dự án chỉ mới thực hiện đến giai đoạn khảo sát vị trí lắp đặt trạm, có thể khởi công trong năm 2008.

 

Theo dự án này, khu vực Nam Bộ sẽ có 6 trạm quan trắc đặt tại La Ngà, Dầu Tiếng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, An Giang, Cà Mau. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM là sẽ trung tâm thông tin của mạng các trạm quan trắc địa chất này. Tổng kinh phí cho dự án dự kiến khoảng 8-10 tỷ đồng.

 

Theo các chuyên gia về động đất, việc xác định các cơn địa chấn và sóng thần hiện nay gặp rất nhiều khó khăn vì cơ sở đài trạm cũ đã lạc hậu.

 

Theo Nhóm phóng viên
Vnexpress