1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM sẽ quy hoạch những tuyến phố karaoke

(Dân trí) - TPHCM không cấp mới hoạt động karaoke ở khu dân cư đông người mà hướng tới quy hoạch karaoke tập trung theo các tuyến đường, khu vực của quận, huyện. Những điểm kinh doanh karaoke đã được cấp phép tại khu dân cư, TP sẽ đề nghị di dời.

TPHCM sẽ quy hoạch những tuyến phố karaoke
Kiểm tra một quán bar trên đường Nguyễn Thị Diệu (quận 3), phát hiện nhiều người có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy (tháng 3/2014).

UBND TP vừa phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí dự án Quy hoạch ngành nghề karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng theo pháp luật cho các đối tượng kinh doanh trong lĩnh vực này; góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho các hoạt động văn hóa  trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của mọi tầng lớp nhân dân.

UBND TP yêu cầu trong quy hoạch phải xây dựng lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể với nguyên tắc “phát triển phải đi đôi với quản lý tốt”, phải đảm bảo nâng cao vai trò giám sát của các tổ chức xã hội đối với loại hình hoạt động văn hóa dễ “biến tướng” này.

TP sẽ có kế hoạch không cấp mới (từ năm 2017) karaoke tại khu dân cư đông người (các đường hẻm, các tuyến đường nhỏ…) mà hướng tới xây dựng quy hoạch karaoke tập trung theo các tuyến đường, khu vực của quận, huyện. TP khuyến khích việc hình thành các khu vực tập trung ngành nghề kinh doanh karaoke gắn với các loại hình dịch vụ thương mại.

Đối với những chủ địa điểm kinh doanh karaoke đã được cấp phép tại các khu dân cư đông người, TP sẽ có kế hoạch đề nghị di dời hoặc vận động chuyển đổi loại hình kinh doanh. TP chỉ gia hạn giấy phép đến hết năm 2016. Đồng thời, TP sẽ tạo điều kiện có các Trung tâm văn hóa, Trung tâm thể thao, Nhà văn hóa, các khu giải trí công cộng… được tổ chức hoạt động karaoke.

UBND các quận, huyện căn cứ định hướng phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở từng địa phương, đồng thời phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng quy hoạch hoạt động vũ trường, karaoke. Khi quy hoạch vũ trường, karaoke đã được UBND TP phê duyệt, UBND quận, huyện phải thực hiện có hiệu quả việc quản lý hoạt động vũ trường, karaoke theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Đối với vũ trường, chỉ quy hoạch cho các khách sạn đạt chuẩn và các trung tâm Văn hóa theo quy định của Nghị định 103/2009/NĐ-CP.

Để siết chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh ngành nghề dễ “biến tướng” này, năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng, karaoke, vũ trường, trong đó có quy định phải quy hoạch các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa. Từ năm 2005 đến cuối năm 2012, TPHCM không thực hiện cấp phép mới kinh doanh vũ trường, karaoke.

Năm 2013, TP cũng đã đề xuất việc quy hoạch vùng các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” này nhằm kéo giảm tệ nạn mại dâm diễn biến ngày càng phức tạp. Lúc đó, các cơ quan tham mưu thành phố nhắm đến huyện Nhà Bè, khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vì đó là những nơi tương đối cách biệt, tiện cho việc quy hoạch.

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2013, trên địa bàn thành phố có 58 điểm, tụ điểm, tuyến đường có phát sinh tệ nạn mại dâm. Qua kết quả khảo sát, điều tra thống kê, trên địa bàn thành phố có khoản 15.200 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội với 17.614 tiếp viên nữ làm việc. Trong đó, có khoản 750 cở sở karaoke, phòng thu âm; 25 quán bar, vũ trường.
Quốc Anh